Uống thuốc sắc từ rễ cây phơi khô tưởng chữa bệnh, nam bệnh nhân tử vong vì ngộ độc lá ngón
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBệnh nhân ngộ độc lá ngón. Ảnh: BVCC |
Ngày 4/7, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân T.T.T (46 tuổi, Hà Tĩnh) trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh sau khi đã được cấp cứu ban đầu.
Theo người nhà bệnh nhân, sáng ngày 4/7, ông T đã uống khoảng 500 - 600ml nước thuốc sắc từ rễ cây phơi khô được cho là rễ cây cóc. Rễ cây này được đào trong rừng và thường được người dân địa phương sử dụng để sắc thuốc uống chữa đau đầu, mất ngủ.
Chỉ 10 phút sau khi uống thuốc, ông T bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như méo miệng, mệt lả, tuy vẫn còn ý thức và có thể đáp ứng khi được hỏi. Sau đó, ông được đưa đến trạm xá xã và chuyển đến bệnh viện huyện. Trên đường đi, ý thức của ông T dần giảm sút và không còn đáp ứng khi được hỏi.
Tại bệnh viện huyện, ông T được đặt ống nội khí quản, truyền dịch và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Trên quãng đường di chuyển kéo dài hơn 1 giờ, ông T bắt đầu tím tái và rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn. Sau 15 phút cấp cứu, mạch của ông T đã trở lại nhưng tình trạng ngừng tuần hoàn tiếp tục xảy ra.
Do tình trạng nguy kịch, ông T được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp và truỵ tim mạch.
Với những biểu hiện lâm sàng và diễn biến của bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm Chống độc nghi ngờ ông T bị ngộ độc lá ngón. Kết quả xét nghiệm mẫu nước sắc rễ cây và cành rễ khô thái lát do người nhà bệnh nhân cung cấp cho thấy có chứa chất độc nhóm koumine và gelsemine, đây là những độc tố nguy hiểm trong cây lá ngón.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cây lá ngón và cây rễ cóc có hình dạng rất giống nhau, dễ dẫn đến nhầm lẫn. Việc đào rễ cây trong rừng, nơi có nhiều loại cây mọc xen kẽ nhau càng làm tăng nguy cơ nhầm lẫn.
Rễ cây cóc thường được người dân dùng chữa bệnh. Ảnh: internet |
Cây lá ngón (ngón vàng, thuốc rút ruột), tên khoa học: Gelsemium elegans, thuộc họ mã tiền, là loại cây độc thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi, đặc biệt phía Bắc Việt Nam. Toàn bộ cây đều chứa độc tố, tuy nhiên hàm lượng cao nhất tập trung ở rễ và thậm chí mật hoa.
Độc tố chính của lá ngón là các độc tố thần kinh (gây liệt cơ, giật cơ giống co giật) và độc tố tim (gây loạn nhịp tim). Sau khi ăn hoặc uống, độc tố lá ngón hấp thu nhanh và gây ngộ độc trong vòng 5 - 10 phút. Chất độc tấn công hệ thần kinh, gây liệt các cơ, nhìn đôi, mờ mắt, nghẹo đầu, méo miệng, khó nói, liệt cơ hô hấp dẫn đến khó thở, suy hô hấp, liệt chân tay, loạn nhịp tim và nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo người nhà bệnh nhân, cùng uống nước thuốc sắc rễ cây với ông T còn có 3 người khác. Ba người này uống vào tối hôm trước, sau đó có biểu hiện chóng mặt, mệt lả.
BS Nguyên cho biết, do ba người này uống lượng thuốc ít và uống vào tối hôm trước nên các biểu hiện ngộ độc nhẹ hơn. Với lá ngón, chỉ cần một lượng rất nhỏ, 2 - 3 lá khi ăn phải đã có thể gây tử vong.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: “Cây lá ngón rất dễ nhầm lẫn với các loại cây thuốc, rau rừng, nguy cơ ngộ độc cao nếu ăn phải. Vì vậy, cần loại bỏ cây lá ngón khỏi khu vực sinh sống. Với tất cả các cây cỏ, động vật, nấm thì việc nhận dạng xác định giữa loại độc và không có độc, hoặc nhận dạng xác định đúng là rất khó và nguy hiểm với người dân, chỉ có các chuyên gia về từng lĩnh vực mới có thể nhận dạng, ví dụ chuyên gia về thực vật, chuyên gia về nấm, chuyên gia về rắn….”.
Đối với thuốc Tây y hay y học cổ truyền thì cũng luôn bắt buộc tuân thủ theo nguyên tắc về quản lý và sử dụng thuốc. BS Nguyên khuyến cáo, người dân không nên tự ý vào rừng đào rễ cây, hái lá rừng để sử dụng vì rất dễ nhầm lẫn với cây lá ngón. Trong trường hợp người dân bị bệnh thì hãy đi khám tại các cơ sở y tế, các bệnh viện, nếu muốn dùng thuốc y học cổ truyền thì cũng phải khám trực tiếp tại các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, đủ năng lực khám chữa bệnh, với các thầy thuốc, lang y có chứng chỉ, có đăng ký, được cấp phép hành nghề, tránh rước hoạ vào thân.
Ăn trưa với rau rừng, hai chị em ngộ độc lá ngón nguy kịch |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại