Chủ nhật 05/05/2024 15:55
Nguy cơ biến dạng biệt thự cũ - Kỳ cuối

UBND TP và Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát biệt thự cũ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngay trong thời điểm báo PL&XH đang có loạt bài phản ánh về thực trạng quản lý và sử dụng biệt thự cũ trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội lập tức có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát kỹ các công trình biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội. Cũng tại thời điểm này, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát các khu vực để xác định bổ sung danh mục biệt thự với phương châm công khai, minh bạch.

Biệt thự nhóm 3 muốn phá dỡ phải có ý kiến của UBND TP

Trong văn bản của mình, Sở Xây dựng đề nghị các địa phương lập danh sách, hồ sơ và chụp ảnh hiện trạng để Sở Xây dựng báo cáo Hội đồng thẩm định TP bổ sung danh mục biệt thự được xây dựng trước năm 1954 trình UBND TP Hà Nội. Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ thực hiện công khai danh sách nhà biệt thự theo các nhóm trên địa bàn quản lý; tổng hợp ý kiến đóng góp, phản ánh của các tổ chức, cá nhân (nếu có) về Danh mục nhà biệt thự, việc phân loại, đánh giá, xếp loại nhà biệt thự.

Không chỉ Sở Xây dựng, ngay tại thời điểm này, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát các khu vực để xác định bổ sung danh mục biệt thự (nếu có); đồng thời yêu cầu phải công khai, minh bạch, cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến phản biện, góp ý của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư về danh mục nhà biệt thự, việc phân loại, xếp loại nhà biệt thự.

Nhằm quản lý biệt thự cũ, từ năm 2013, tại Quyế́t định 7177/QĐ-UBND (ngày 28-11-2013), UBND TP đã ban hành danh mục 1.253 nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP". Trong danh sách có 352 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 100 biệt thự thuộc sở hữu của các tổ chức, 301 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và 500 biệt thự đan xen sở hữu. Các biệt thự cũ này tập trung chủ yếu tại 5 quận: Ba Đình (428 biệt thự), Hoàn Kiếm (527 biệt thự), Hai Bà Trưng (270 biệt thự), Tây Hồ (14 biệt thự), Đống Đa (14 biệt thự). Trong đó, qua phân loại, có đến 312 biệt thự là các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị về kiến trúc, các biệt thự xây dựng sau năm 1954, các biệt thự đã bị phá dỡ trước khi có Nghị quyết 18. Có không ít biệt thự tọa lạc tại vị trí đắc địa trên những con phố lớn như Hoàng Hoa Thám, Triệu Việt Vương, Tăng Bạt Hổ, Trần Quốc Toản…

Ngay từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý việc bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt phải phá dỡ nhà biệt thự (theo quy định tại Điều 10 Quy chế trên, đối với biệt thự nhóm 3), Sở Xây dựng, UBND quận liên quan phải kiểm tra phương án xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất của chủ đầu tư (theo quy định là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt), đề xuất báo cáo UBND TP trước khi đề nghị cho chủ đầu tư được phá dỡ biệt thự. Sau khi TP chấp thuận cho phép được phá dỡ nhà biệt thự để xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất; Sở Xây dựng và UBND các quận chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện theo đúng phương án đã được xem xét, chấp thuận.

ky cuoi ubnd tp va so xay dung de nghi ubnd cac quan huyen thi xa to chuc ra soat biet thu cu
Hà Nội hiện còn nhiều biệt thự cũ xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: M.T

Xử lý hình sự với người lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quản lý, sử dụng biệt thự

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tính pháp lý trong việc quản lý, sử dụng các công trình biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng luật Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Thưa luật sư, hiện UBND TP đang phân biệt thự cũ làm mấy nhóm để thuận tiện cho việc quản lý?

Luật sư H.V.D: Thời điểm năm 2009, Hà Nội chia biệt thự cũ thành 4 nhóm. Nhưng sau khi có quyết định mới, ban hành ngày 28-11-2013, biệt thự cũ đã được rút xuống còn 3 nhóm. Bao gồm: Biệt thự nhóm 1 gồm 225 căn (được đánh giá từ 70 đến 100 điểm); gồm những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự gắn liền với cách mạng - kháng chiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc...

Biệt thự nhóm 2 gồm 382 căn (được đánh giá từ 50 đến 69 điểm); gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc, nhưng không thuộc biệt thự nhóm 1. Biệt thự nhóm 3 gồm 646 căn (được đánh giá dưới 50 điểm): gồm những biệt thự không thuộc biệt thự nhóm 1 và biệt thự nhóm 2.

Mặc dù đã có các văn bản quản lý cụ thể nhưng hiện tại nhiều biệt thự đã bị cơi nới, sửa chữa, làm biến dạng, trong đó có biệt thự 68-70 Thợ Nhuộm, 51, 55 Hàng Chuối... báo PL&XH từng phản ánh?

Luật sư H.V.D: UBND TP có quan điểm rất rõ ràng về cải tạo nhà biệt thự, đặc biệt với nhóm biệt thự 1, 2 và 3: Khi cải tạo nhà biệt thự, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao); không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của nhà biệt thự...

Các cơ quan, tổ chức và cá nhân sẽ bị xử lý ra sao nếu như làm hư hỏng, biến dạng, thậm chí là phá hủy biệt thự cũ nằm trong danh mục quản lý nhà nước?

Luật sư H.V.D: Theo quy định, các sở Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, TN&MT, Tài chính chịu trách nhiệm trước UBND TP về thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà biệt thự; về quản lý quy hoạch, kiến trúc, hướng dẫn thực hiện việc lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

UBND các quận (nơi có nhà biệt thự cũ): có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; Chịu trách nhiệm trước UBND TP đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự trên địa bàn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, hình thức xử lý khá nghiêm ngặt, thậm chí liên quan đến Luật Hình sự trong trường hợp người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định về quản lý, sử dụng nhà biệt thự thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; người vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà biệt thự tự ý phá dỡ nhà biệt thự khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải phục hồi, xây dựng lại nhà biệt thự theo quy định của Quy chế này.

Xin cảm ơn luật sư!

ky cuoi ubnd tp va so xay dung de nghi ubnd cac quan huyen thi xa to chuc ra soat biet thu cu Nguy cơ biến dạng biệt thự cũ - Kỳ 2: Hàng chục biệt thự trong danh mục quản lý vẫn bị phá dỡ

Sau năm 2009, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, tình trạng tự ý sửa chữa, phá dỡ biệt thự cũ ở Hà ...

ky cuoi ubnd tp va so xay dung de nghi ubnd cac quan huyen thi xa to chuc ra soat biet thu cu HĐND TP chỉ ra nhiều lỗ hổng trong quản lý biệt thự cũ
Biệt thự cũ không chỉ “vang bóng một thời”
Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động