Tuyên bố Đồng chủ tịch Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc |
Ngài Tê-ô-đô-rô L. Lóc-sin, Jr., Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Phi-líp-pin, và Ngài Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng chủ trì Hội nghị.
Chúng tôi điểm lại các mốc phát triển và thành tựu trong Quan hệ ASEAN-Trung Quốc ba thập kỷ vừa qua. Chúng tôi khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt và thực chất vì phát triển và thịnh vượng chung. Chủ đề Hợp tác Phát triển Bền vững của năm nay là phù hợp và đúng đắn.
Thông qua hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng với các biện pháp được triển khai đồng bộ ở cấp quốc gia và khu vực, ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau giảm thiểu các tác động tiêu cực từ đại dịch. ASEAN đánh giá cao Trung Quốc đã cung cấp vắc-xin, hỗ trợ vật tư y tế cũng như trợ giúp kỹ thuật dành cho ASEAN và các nước thành viên. Trước các thách thức phải đối mặt do đại dịch, chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết hợp giữa kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Chúng tôi khẳng định Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là văn kiện mang tính dấu mốc, thể hiện cam kết chung thúc đẩy hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và lòng tin ở khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Chúng tôi đề cao duy trì tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thông qua từng bước nối lại đàm phán thông qua họp trực tuyến, khắc phục các khó khăn do tình hình dịch bệnh.
Điểm lại các nỗ lực và biện pháp mà ASEAN và Trung Quốc đã triển khai nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, Hội nghị đã trao đổi về các bước triển khai tiếp theo như sau:
1.Nâng tầm Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc thông qua đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ;
2. Khẳng định cam kết với chủ nghĩa đa phương trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì khuôn khổ hợp tác khu vực rộng mở và bao trùm, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đề cao chủ nghĩa đa phương và cùng nhau ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu;
3. Tăng cường hợp tác ASEAN-Trung Quốc về y tế công cộng, củng cố chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu về các thiết bị và vật tư y tế, nâng cao năng lực, và trao đổi thông tin và chính sách;
4. Mở rộng hơn nữa hợp tác về vắc-xin và thúc đẩy cơ hội tiếp cận vắc-xin đồng đều và đẩy mạnh sản xuất và phân phối vắc-xin an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá cả phù hợp cho tất cả;
5. Thúc đẩy phục hồi toàn diện, cân bằng và bền vững cũng như phát triển tự cường kinh tế và xã hội hậu COVID-19, bao gồm thông qua ủng hộ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 và Khung Phục hồi tổng thể ASEAN;
6. Tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên, rác thải biển, xóa đói nghèo, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn hệ sinh thái biển, và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương; và khuyến khích quan hệ đối tác về kinh tế biển xanh;
7. Tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, truyền thông báo chí, các vấn đề phụ nữ và thanh niên, bao gồm thông qua các chương trình như Chương trình Học bổng Lãnh đạo trẻ ASEAN-Trung Quốc;
8. Triển khai Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về gắn kết Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), thảo luận việc phát triển và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng của ASEAN, và phối hợp tăng cường liên kết trong khu vực nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững;
9. Thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sớm có hiệu lực, nền tảng quan trọng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế và tăng cường hơn nữa liên kết các chuỗi cung ứng công nghiệp và tại khu vực nhằm thúc đẩy phục hồi;
10. Ủng hộ các nỗ lực liên kết kinh tế của ASEAN, đặc biệt trong ứng phó với các thách thức nảy sinh từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (4IR), thông qua tăng cường quan hệ giữa các đối tác gần gũi trong khu vực;
11. Khai thác tiềm năng hợp tác về kinh tế tuần hoàn và tiếp tục nghiên cứu các mô hình kinh tế bền vững khác, khởi nguồn từ những kế hoạch hành động quốc gia và khu vực, như Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh và Kế hoạch Hợp tác Môi trường và Sinh thái Vành đai và Con đường;
12. Tái khẳng định cam kết nhất quán của chúng tôi tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002, bao gồm tăng cường hợp tác biển thiết thực nhằm xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC;
13. Tăng cường và thúc đẩy an ninh biển, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, thực hiện kiềm chế trong triển khai các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, và theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; và,
14. Phấn đấu đẩy nhanh nối lại đàm phán văn kiện COC thông qua các hình thức trực tuyến, với hiểu biết rằng các hội nghị trực tiếpvẫnlà hình thức chủ đạo, hướng tới sớm hoàn tấtmột Bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại