Từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhấn đấu bảo đảm 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác. |
Đó là mục tiêu mà Bộ KH&CN đề xuất trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.
Bộ KH&CN cho biết, theo xu hướng chung của thế giới, thị trường vaccine tại nước ta được dự báo là một thị trường lớn, có tốc độ phát triển cao trong những năm tới. Do Việt Nam là một nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm rất cao và phức tạp... Tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em như tiêu chảy do virus Rota, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não mủ do Hib còn khá cao.
Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, dự tính sẽ bổ sung thêm nhiều vaccine mới để tiêm phòng bệnh cho trẻ em như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phối hợp, vaccine phòng COVID-19, vaccine cúm mùa... Các loại bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, viêm màng não, viêm dạ dày, thương hàn, phế cầu, sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, uốn ván... là các bệnh lý rất phổ biến tại Việt Nam. Do vậy, nhu cầu tự chủ trong công tác sản xuất các loại vaccine này là rất cần thiết.
Cũng theo Bộ KH&CN, qua kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước cho thấy tầm quan trọng của vaccine và sự cần thiết tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Việc phê duyệt triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030” là cần thiết, cấp bách để giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, sản xuất vaccine. Chương trình được thực hiện thành công góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và sự sẵn sàng của Việt Nam trong sản xuất vaccine phục vụ nhu cầu trong nước và khả năng tham gia thị trường quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế của nền khoa học, y học Việt Nam.
Dự thảo đề xuất mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để sản xuất vaccine sử dụng cho người; nâng cao trình độ, năng lực, khả năng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Đồng thời, phấn đấu bảo đảm 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác; từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Đến năm 2025, làm chủ được công nghệ 25 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 15 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ 30 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 20 loại vaccine.
Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép sử dụng và sản xuất vaccine trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất vaccine; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường vaccine; hỗ trợ nâng cao tiềm lực nghiên cứu sản xuất vaccine; thực hiện cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển, sử dụng sản phẩm vaccine sản xuất trong nước.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại