Chủ nhật 19/05/2024 08:00

Từ việc Công an quận Bắc Từ Liêm triệt phá 2 đường dây lừa đảo môi giới việc làm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Sau khi triệt phá thành công 2 đường dây lừa đảo môi giới việc làm để chiếm đoạt tài sản, 4 GĐ bị tạm giữ, CA quận Bắc Từ Liêm còn phát hiện thêm nhiều đường dây có hành vi tương tự. Tuy hình thức lừa đảo không mới, báo chí cũng đã có nhiều bài viết cảnh báo nhưng nhiều người vẫn dính bẫy…

Móc túi của những người chưa có việc làm

CQCSĐT CA quận Bắc Từ Liêm thông tin, 4 GĐ Cty bị cơ quan này tạm giữ để phục vụ công tác điều tra về hành vi lừa đảo môi giới việc làm để chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Văn Hùng, SN 1982, trú tại tỉnh Phú Thọ, GĐ Cty CP thương mại dịch vụ & Đầu tư Bình An (Cty Bình An); Trương Thị Thị, SN 1990, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội, GĐ Cty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải du lịch Thăng Long (Cty Thăng Long); Bùi Văn Thái, SN 1992, trú tại tỉnh Thái Bình, GĐ Cty TNHH phát triển đầu tư thương mại Hoàng Trọng (Cty Hoàng Trọng) và Nguyễn Quang Thắng, SN 1985, trú tại tỉnh Thái Bình, GĐ Cty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Nam Long (Cty Nam Long). Trong đó, đối tượng Thắng có 1 tiền án về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Ngoài 4 GĐ trên bị tạm giữ, CA quận Bắc Từ Liêm còn triệu tập 14 đối tượng liên quan để làm rõ về hành vi trên.

Qua quá trình xác minh, hành vi lừa đảo của các đối tượng đã được làm rõ. Tháng 7-2014, Nguyễn Văn Hùng thành lập Cty Bình An và đặt trụ sở tại số 279A, đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm để môi giới tìm việc làm cho người lao động (NLĐ). Mặc dù không có khả năng xin được việc làm cho NLĐ nhưng ngay từ khi Cty đi vào hoạt động, Hùng đã chỉ đạo nhân viên đăng tin tuyển dụng lao động trên mạng internet với mức lương cao để thu hút những người có nhu cầu tìm đến Cty để nộp hồ sơ. Khi NLĐ dính bẫy quảng cáo trên mạng, Hùng chỉ đạo nhân viên thu phí làm hồ sơ và nhận tiền đặt cọc sau đó dùng mánh khóe để chiếm đoạt số tiền NLĐ đã nộp cho Cty.

Mánh khóe của Hùng cũng được CQCA làm rõ, mặc dù không có khả năng xin được việc cho NLĐ nhưng Hùng đã móc nối với Thị, GĐ Cty Thăng Long để cùng nhau chiếm đoạt tài sản của người tìm việc. Đối với mỗi hồ sơ xin việc, Hùng chỉ đạo nhân viên thu phí của NLĐ 500.000 đồng và từ 1 đến 5 triệu đồng tiền đặt cọc. Còn Hùng và Thị thỏa thuận, khi người lao động đến tìm việc, Hùng sẽ viết giấy giới thiệu sang Cty Thăng Long để phỏng vấn xin việc; Thị thu 200.000 đến 300.000 đồng/người, nếu người xin việc không có tiền thì Hùng sẽ trích 200.000 đồng do NLĐ đặt cọc tại Cty của Hùng để đưa cho Cty của Thị. Trong quá trình phỏng vấn việc làm, Thị cùng nhân viên tìm mọi cách đánh trượt để chiếm đoạt tiền đặt cọc. Cty của Hùng và Thị đã chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của NLĐ.

Chiều 2-6, trao đổi với PV báo PL&XH, Thiếu tá Lê Đức Hùng - Đội CSĐTTP về TTXH CA quận Bắc Từ Liêm cho hay, quá trình điều tra mở rộng, CA quận còn làm rõ, với thủ đoạn tương tự, Cty Hoàng Trọng liên kết với Cty Nam Long để chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của NLĐ. Ngoài ra, CA quận Bắc Từ Liêm đang làm rõ hành vi lừa đảo của một số Cty môi giới việc làm khác. Theo Thiếu tá Lê Đức Hùng, trong quá trình điều tra mở rộng, CA quận còn phát hiện thêm nhiều Cty có hành vi lừa đảo môi giới việc làm với hơn 20 đối tượng nên CQCSĐT CA quận Bắc Từ Liêm chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Các đối tượng lừa đảo môi giới việc làm tại CQCA.

Nhiều sinh viên mất cảnh giác

Trong số những người sập bẫy lừa đảo môi giới việc làm của 2 đường dây trên thì không ít nạn nhân là sinh viên đang học tại Hà Nội. Nắm bắt được nhu cầu kiếm việc làm thêm của sinh viên rất lớn, ngoài thời gian học ra thì ai cũng muốn tranh thủ kiếm việc làm thêm; vì đa số không quen biết và thường mới đi làm lần đầu và có điều kiện được tiếp cận với công nghệ thông tin, nên các Cty môi giới việc làm thường đăng tin tuyển dụng trên mạng internet với những lời quảng cáo hấp dẫn để thu hút NLĐ. Hầu hết những người đến xin việc thường phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho bên tuyển dụng hoặc môi giới dưới hình thức là tiền phí làm hồ sơ, tiền đặt cọc, phí đào tạo…

Xét về một khía cạnh nào đấy thì sự ra đời và phát triển của nhiều Cty môi giới việc làm cũng đã giúp cho nhiều sinh viên và NLĐ kiếm được việc làm tử tế, phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, song hành với những Cty môi giới việc làm có uy tín, làm ăn tử tế thì cũng có không ít các Cty môi giới giới thiệu việc làm… lừa đảo. Tuy hình thức lừa đảo không hề mới và nhiều cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng nhiều người lao động vẫn sập bẫy.

CQCA đang khám xét nơi làm việc của đối tượng Thái. Ảnh: Q.Doanh

Không chỉ sập bẫy lừa đảo của các Cty môi giới việc làm, nhiều sinh viên còn sập bẫy của các Cty kinh doanh đa cấp tương tự như trường hợp của chị Đàm Thị Ngọc, SN 1996, sinh viên năm thứ nhất của một trường ĐH ở Hà Nội. Chị Ngọc tâm sự, là người con quê lúa Thái Bình vừa lên Hà Nội nhập học khiến chị không khỏi bỡ ngỡ. Gia đình kinh tế khó khăn chỉ dựa vào 3 sào ruộng, không đủ phụ cấp cho chị ăn học. Lên Hà Nội được vài tháng, chị đi tìm việc làm thêm. Nhưng không ngờ, chị đã sập bẫy của một Cty đa cấp ngay từ lần xin việc đầu tiên.

Chị Ngọc chia sẻ, cuối năm 2014, chị thấy một Cty đăng tải tuyển nhân viên làm việc bán thời gian trên mạng xã hội với mức lương khá hấp dẫn. Trước những lời “tư vấn” hấp dẫn với mức thu nhập “khủng”, chị đã đồng ý tham gia vào mô hình của Cty này với điều kiện phải bỏ ra gần 9 triệu đồng để mua sản phẩm của Cty. Để có số tiền trên, chị được nhân viên của Cty này tư vấn và đưa đến một Cty tài chính để vay 9 triệu đồng với lãi suất 4.000 đồng/ngày mà chỉ cần “cắm” CMT và thẻ sinh viên.

“Sau khi biết Cty này kinh doanh đa cấp cùng với phải chịu hơn 1 triệu đồng/tháng tiền lãi suất, gấp đôi số tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng đã khiến tôi hoang mang, lo sợ. Thu nhập từ việc làm thêm này chưa thấy đâu thì tôi lại phải xoay xở tiền trả lãi hàng tháng. Nếu không trả được thì tôi sẽ phải chịu “hậu quả” theo những điều khoản đã ký trong hợp đồng. Nhiều người bạn của tôi cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định rút khỏi Cty này để đi tìm việc khác và cũng đã phải chịu thiệt hại một khoản tiền không nhỏ. Tôi mong muốn các bạn sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về công việc mình muốn làm thêm để tránh gặp phải trường hợp “dở khóc dở cười” như tôi”, chị Ngọc chia sẻ.

Một số thông tin người lao động nên biết

Thông tư liên tịch số 95/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH - Bộ Tài chính “Hướng dẫn về phí giới thiệu việc làm” quy định: Phí giới thiệu việc làm đối với hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động chỉ được thanh toán khi tổ chức giới thiệu việc làm thực hiện xong công việc giới thiệu việc làm để NLĐ nhận được việc làm. Như vậy, để tránh rủi ro, sau khi có việc làm, NLĐ mới thanh toán phí cho đơn vị môi giới.
CA quận Bắc Từ Liêm cũng đưa ra khuyến cáo, trong việc môi giới xúc tiến lao động việc làm, Bộ LĐTB&XH có quy định rất rõ về mức thu phí và biểu phí đối với việc tư vấn và giới thiệu việc làm với mức thu chỉ từ 10 đến 20 nghìn đồng. Để phát hiện mánh khóe trong tuyển dụng lao động, nếu có ý định đăng ký làm việc ở một Cty nào đó, NLĐ cần chủ động tìm hiểu rõ Cty mình muốn tìm việc như địa chỉ và số điện thoại cố định trên mạng internet. Khi phát hiện thấy dấu hiệu khả nghi và Cty môi giới việc làm yêu cầu đóng những khoản phí cao hơn hoặc trái quy định thì nên từ chối và nhanh chóng trình báo tới CA phường sở tại để tránh tiền mất mà việc làm vẫn không có.

Quốc Doanh

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động