Thứ ba 26/11/2024 11:57

21 bị cáo hầu tòa trong vụ án “rửa tiền”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 21 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
21 bị cáo hầu tòa trong vụ án “rửa tiền”

Các bị cáo tại tòa (Ảnh: Nhật Nam)

Một bị hại dễ dàng sập bẫy, mất gần 20 tỷ đồng

Đáng chú ý, trước đó, ngày 15/4, vụ án được đưa ra xét xử nhưng phải tạm hoãn do 1 bị cáo đi cấp cứu và vắng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, tháng 8/2022, khi chị Nguyễn Thị L (SN 1985, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhắn trong một nhóm trên facebook tìm việc làm kế toán online và được thành viên nhóm kết nối với tài khoản telegram tên "Nguyễn Thị Niên".

Niên giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của hệ thống nhà thuốc Phamarcity, cho chị L xem thẻ nhân viên công ty và hướng dẫn truy cập vào một đường link, đăng ký tài khoản bằng số điện thoại và cấp ID để làm nhiệm vụ. Niên cho hay, công việc chính của chị L là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa.

Quá trình làm việc, chị L được một đối tượng khác sử dụng tài khoản telegram tên “Thư ký Yến Phamarcity” liên hệ cho biết, công ty có 1 kỳ làm nhiệm vụ đơn hàng và chỉ có 3 phút hoàn thành để nhận hoa hồng. Mỗi kỳ làm nhiệm vụ, “Thư ký Yến Phamarcity” hướng dẫn chị L nạp tiền trước vào tài khoản trên website đã đăng ký.

Trong hai lần đầu, chị L nạp hơn 3,1 triệu đồng tiền thực hiện đơn hàng, chị lập tức nhận lại (gốc, lãi) hơn 4,5 triệu đồng. Ở lần tiếp theo, đối tượng yêu cầu chị L chuyển 30 triệu đồng đến tài khoản do đối tượng cung cấp, nhưng chị không thể rút tiền ra. Đối tượng đưa nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị L tiếp tục chuyển tiền mới rút được số đã chuyển.

Từ ngày 25 - 30/8/2022, chị L đã 24 lần chuyển hơn 19,9 tỷ đồng đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, song vẫn không rút được. Biết bị lừa, chị Nguyễn Thị L đến CA TP Hà Nội trình báo.

Vào cuộc điều tra, CA phát hiện các tài khoản ngân hàng mà chị L được chỉ định chuyển tiền đến do Bộ phận 777pay thuộc Công ty Jibian (có trụ sở tại Campuchia) quản lý. Đây là DN do tổ chức tội phạm lừa đảo hoạt động về lĩnh vực "rửa tiền".

Jibian chia làm 8 bộ phận và "rửa tiền" cho nhiều nguồn tiền bất hợp pháp ở nhiều quốc gia. Riêng Bộ phận 777pay phụ trách thị trường Việt Nam, chuyên rửa tiền bất hợp pháp từ các app đánh bạc trên mạng, tiền do lừa đảo... bằng phương thức thành lập cổng trung gian có tên VNPAY (cổng giả mạo) thanh toán trên trang web https://mem.77777.org để chuyển, nhận tiền nhằm chuyển đổi tiền vi phạm thành tiền "sạch" (tức là không thể truy xuất được nguồn gốc).

Đối với số tiền hơn 19,9 tỷ đồng của chị Nguyễn Thị L bị chiếm đoạt, cơ quan tố tụng cáo buộc nhóm nhân viên tổ nhập khoản thuộc Bộ phận 777pay đã hướng dẫn, cung cấp số tài khoản ngân hàng để chị L giao dịch chuyển tiền vào, rồi lên điểm trên hệ thống. Ngoài ra, có một số giao dịch do hệ thống cổng trung gian thanh toán tự động cung cấp tài khoản ngân hàng cho chị L.

Quá trình mở rộng theo xác minh dòng tiền bị chiếm đoạt, cơ quan điều tra làm rõ, Phan Văn Minh (SN 1978, ở TP Hồ Chí Minh - thành lập Công ty TNHH Minh Phúc và kinh doanh mua bán ngoại tệ). Từ năm 2020, Minh bắt đầu nhận “rửa tiền” bằng hình thức nhận tiền qua tài khoản rồi cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho khách, hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng do khách chỉ định. Để hoạt động, Minh thuê đồng phạm mở các tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển tiền và rút tiền; thuê người làm kế toán và quản lý các tài khoản ngân hàng và chuyển tiền online.

Trong vụ án này, Minh đã nhận "rửa" hơn 10 tỷ đồng là số tiền của Bộ phận 777pay chuyển đến. Hành vi của Minh và đồng phạm đã phạm vào tội "Rửa tiền". Phiên tòa dự kiến xét xử trong 5 ngày.

Khuyến cáo của CATP Hà Nội

CATP Hà Nội đã phát thông báo cảnh báo về các thủ đoạn thuê, mua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, CA TP Hà Nội nêu, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện các giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại rồi rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau.

Thủ đoạn của các đối tượng thường đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập internet banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng.

Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong nhiều trường hợp, chủ tài khoản có thể bị coi là đồng phạm với đối tượng hoặc sẽ bị xử lý về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến cáo người dân thực hiện các nội dung sau:

Giữ bí mật thông tin cá nhân: không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng.

Cảnh giác với lời đề nghị hấp dẫn: nói không với mọi lời đề nghị “cho thuê” hoặc “bán” tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính.

Báo cáo cơ quan chức năng: nếu phát hiện được bất kỳ hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng nào, công dân cần báo ngay lập tức với cơ quan CA để xử lý, giải quyết.

Người dân cần tăng cường việc cập nhật thông tin, cảnh báo từ cơ quan chức năng, đồng thời tìm hiểu về các rủi ro và hậu quả pháp lý liên quan đến việc “cho thuê” và “bán” tài khoản ngân hàng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm.

Một cụ bà ở Hà Nội bị lừa đảo, mất gần 18 tỷ đồng
Người đàn ông bị lừa gần 2,5 tỷ đồng vì tin lời mời chào hấp dẫn
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động