“Truyện liêu trai” về những người da trắng, má hồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thế nhưng, những thiếu nữ có được nhan sắc trời phú ấy lại đang trở thành nỗi sợ hãi của người dân một số bản ở vùng cao huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, vì theo quan niệm của một bộ phận người dân nơi đây thì những người như vậy bị liệt vào danh sách… ma cà rồng?
“Truyền thuyết” về ma cà rồng
Từ TP Tuyên Quang đi theo tỉnh lộ 185 về phía Bắc khoảng 70km, chúng tôi tìm về bản A, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, nơi tương truyền những câu chuyện về sự xuất hiện của ma cà rồng. Theo “truyền thuyết” về ma cà rồng mà hầu hết người dân tộc Tày nơi đây, ai cũng có thể kể được thì ma cà rồng thường hóa thân vào các cô gái đẹp, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như son, tóc đen dài.
Theo bà Hà Thị K, một người dân tộc Tày: Ma cà rồng thường ăn đồ tanh, đồ sống và hút máu nên họ có nước da rất trắng trẻo, hồng hào và môi đỏ… trông rất xinh”. Còn chị Hà Thị Q khẳng định: “Ma cà rồng chỉ có ở người Tày và thông thường thì chỉ bị ở một dòng họ nào đó thôi. Cũng có một dòng họ Hà ở huyện Chiêm Hóa này bị ma cà rồng đấy…”.
Người Tày ở đây còn truyền miệng nhau rằng, ma cà rồng chẳng bao giờ chết. Mỗi lần người bị cho là ma cà rồng chết đi là một lần lột xác. Sau 7 lần lột xác thì ma cà rồng có thêm một chiếc sừng. Lúc trên đầu có 9 cái sừng (lột xác 63 lần) là “con ma” hấp thu đủ linh khí tam tài, công lực biến hóa muôn hình vạn trạng, có sức mạnh siêu nhiên. Lúc ấy chỉ cần “ma” nhìn ai thì người đó sẽ phải… chết. Chính vì vậy, nếu người nào bị dân bản nghi là ma cà rồng thì sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp với “ma” và đặc biệt rất sợ “ma”… đến nhà mình chơi. “Ma” đến “thăm” nhà nào thì dứt khoát vài ngày hôm sau lợn, gà của nhà đó tự nhiên lăn ra chết, thậm chí là có cả trẻ con… chết?
Cũng vì những quan niệm và nhận thức ấy mà hầu hết những cô gái có nhan sắc “trời cho” ở đây dễ bị coi là ma cà rồng. Ma cà rồng không trú chân ở một nhà mà lang thang khắp nơi theo chu trình của một đời người. Vì thế, người nào bị dân bản nghi là ma cà rồng thì trọn đời, trọn kiếp phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Cô gái bị ma cà rồng nhập xác, nếu lấy chồng, “ma” theo cô gái ấy về nhà chồng. Cô gái ấy sinh con, “hồn ma” nhập sang con gái, “hồn ma” nhập sang cháu gái. Nếu không có cháu gái thì núp tạm sang cháu dâu.
Từ những lời đồn thổi truyền tai nhau từ đời này qua đời khác mà không ít những cô gái bản đã bị cô lập, nếu muốn lấy chồng, hoặc sống yên ổn và không có người dị nghị thì chỉ có cách là đi xa quê, đến những nơi không ai biết đến những “truyền thuyết” về ma cà rồng. Cũng từ đó, ở một số bản vùng cao này, nếu thấy một cô gái da trắng hồng, môi đỏ thì dễ bị coi là ma cà rồng, và có những thiếu nữ xinh đẹp cũng bị ví… “xinh như ma cà rồng”?
Đường về xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tồn tại nhiều câu chuyện về ma cà rồng. Ảnh Nguyễn Khuê
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là ma cà rồng hiện vẫn tồn tại trong tâm trí một bộ phận người dân vùng cao nói chung, người Tày nói riêng là do nhận thức của người dân còn hạn chế. Họ chưa từng được nhìn thấy ma cà rồng, chưa từng được chứng kiến những câu chuyện kể về ma cà rồng, nhưng họ vẫn tin vào điều không có thật đó… |
Nguyễn Khuê

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại