Trường ĐH Thủy Lợi sẵn sàng hành trang để 6 ngành mới “cất cánh”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNăm nay, ĐH Thủy Lợi có thêm 6 ngành mới |
Bên cạnh việc duy trì tuyển sinh 31 ngành như năm 2021, Trường ĐH Thủy Lợi sẽ tuyển sinh ở 6 ngành mới, gồm: Kinh tế số, Kiểm toán, An ninh mạng, Tài chính ngân hàng, Luật, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh.
Trong 6 ngành mở mới của Trường ĐH Thủy Lợi, ngành “Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh” và ngành “An ninh mạng” đóng vai trò quan trọng, mang tính ứng dụng cao, đặc biệt là trong thời đại Công nghệ 4.0 hiện nay.
Để phục vụ cho quá trình giảng dạy hai ngành này, Trường ĐH Thủy Lợi đã phối hợp chặt chẽ nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng chương trình đào tạo 2+2 với nhiều trường đại học trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc và Nhật Bản để sinh viên có thể học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm
Cụ thể, ngành “Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh”, Trường đã phối hợp với hai trường đại học tại Nhật bản để cùng nhau xây dựng, lồng ghép chương trình đào tạo robot, ký hợp tác và chung tay triển khai ngành đào tạo này. Được biết, hiện nay, Trường đã chuẩn bị hệ thống trang thiết bị, phòng lab theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản.
Đối với ngành An ninh mạng, Trường đã hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn nước ngoài như Samsung hay FPT ( của Nhật Bản) để xây dựng chương trình đào tạo tốt nhất cho sinh viên.
Sắp tới, Trường còn có chương trình 6 tháng và 1 năm, cử tất cả sinh viên tham gia chương trình đào tạo này sang Mỹ, Nhật Bản để học tập, lấy chứng chỉ, tạo tiền đề về kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên.
Năm nay, ĐH Thủy lợi tuyển sinh theo 4 phương thức, trong đó sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là phương thức mới được áp dụng.
Bên cạnh đó, ĐH Thủy lợi vẫn xét tuyển thẳng 5 nhóm thí sinh, gồm: Những em được quy định xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố; học sinh từ trường chuyên với các tiêu chí cụ thể; đạt loại giỏi học lực cả ba năm THPT; sở hữu IELTS tối thiểu 5.0 và học lực từ khá trở lên năm lớp 12.
Phương thức thứ ba là trường xét tuyển học bạ THPT của thí sinh, dựa trên tổng điểm trung bình của ba môn theo tổ hợp. Cuối cùng là phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2022.
Năm 2021, về điểm chuẩn, ngành Công nghệ thông tin tiếp tục lấy cao nhất, tăng 2,5 điểm so với năm 2020. Quản trị Kinh doanh lấy 24,9 điểm, nhiều ngành lấy từ 24 trở lên gồm Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Kinh tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng…
Trong khi đó, nhiều ngành lấy điểm chuẩn 16 như: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng... Mức này thấp hơn 9 điểm so với ngành cao nhất nhưng cũng đã tăng 1 so với điểm chuẩn thấp nhất của năm ngoái (15 điểm).
Năm ngoái, tại trụ sở chính Hà Nội, chỉ tiêu cho các phương thức lần lượt là 10% theo đề án riêng của trường, 30% xét học bạ và 70% dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, trường chưa thông báo tỷ lệ chỉ tiêu cụ thể của từng phương thức. Dự kiến, năm nay, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại