Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc liên kết đào tạo nghề trái phép?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo tìm hiểu của PV báo PL&XH, ngày 10-6-2016, ông Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc, thuộc Bộ NN&PTNN, trụ sở tại thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình ký Quyết định số 296/QĐ-CĐTB uỷ quyền cho ông Phạm Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo được thẩm quyền ký các hợp đồng liên kết đào tạo giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị và cá nhân khác.
Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc thuộc Bộ NN&PTNT |
Ngày 6-10-2016, ông Phạm Thanh Liêm đã ký Hợp đồng số 605/HĐ-CĐTB với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Hà) để liên kết đào tạo hệ Trung cấp nghề Kế toán lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội, hệ chính quy, khoá 45 (năm 2016-2019).
Theo đó, Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc sử dụng ngân sách Nhà nước để liên kết đào tạo nghề Kế toán lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội cho 28 học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở trở lên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Hà.
Ông Phạm Thanh Liêm được uỷ quyền ký các hợp đồng liên kết đào tạo |
Ngoài việc sử dụng ngân sách Nhà nước để chi trả lương, công tác phí và các khoản phụ cấp cho giảng viên, giáo viên từ Hoà Bình về Thái Bình giảng dạy, Trường CĐ Nghề Cơ Điện Tây Bắc còn phải chi trả cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Hà với số tiền tạm tính lên tới hơn 100 triệu đồng để lo công tác “hậu cần” cho toàn khoá học.
Ngày 18-10-2016, ông Phạm Thanh Liêm ký hai Quyết định số 637/QĐ-CĐTB và số 638/QĐ-CĐTB về việc công nhận trúng tuyển và tổ chức đào tạo hệ Trung cấp nghề cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Hà. Nội dung đào tạo theo chương trình đào tạo nghề Kế toán lao động tiền lương của Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc đã được Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 51a/2010/GCN-ĐKHĐDN ngày 30-8-2010.
Nếu việc liên kết đào tạo của Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc được thực hiện đúng quy định của pháp luật thì đó là cơ hội cho 28 học sinh có được một nghề nghiệp ổn định sau khi ra trường. Song, qua tìm hiểu của PV, việc liên kết đào tạo sử dụng ngân sách Nhà nước này có “vấn đề” và số học sinh trên đang đứng trước nguy cơ không được cấp bằng sau khi tốt nghiệp.
Vấn đề thứ nhất là sự bất nhất giữa hợp đồng liên kết đào tạo với Quyết định công nhận trúng tuyển và tổ chức đào tạo. Tại Hợp đồng số 605/HĐ-CĐTB ngày 6-10-2016, thể hiện Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc liên kết đào tạo với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Hà để liên kết đào tạo hệ Trung cấp nghề Kế toán lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội. Song, 12 ngày sau (ngày 18-10-2016), ông Phạm Thanh Liêm lại ký 2 Quyết định số 637/QĐ-CĐTB và số 638/QĐ-CĐTB đã đổi tên từ đào tạo nghề Kế toán lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội sang nghề Kế toán lao động tiền lương.
Nghề Kế toán lao động tiền lương không có trong các Giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc |
Vấn đề thứ hai có thể đẩy 28 học sinh đứng trước nguy cơ không được công nhận tốt nghiệp là việc Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc liên kết đào tạo nghề không có trong “giấy phép”. Cụ thể, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 51/2010/GCN-ĐKHĐDN cấp ngày 30-8-2010; Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung số 51a/2010/CNĐKBS – TCDN ngày 29-6-2015 và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp số 248/2017/GCNĐKHĐ-TCDN đều do Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH cấp cho Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc đều không hề có tên nghề đào tạo là Kế toán lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội hay nghề Kế toán lao động tiền lương.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Hiếu Lễ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Hà cho hay, ông không hề biết việc Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc liên kết đào tạo ngoài “giấy phép”. “Nếu không được cấp phép đào tạo thì 28 học viên sẽ không được công nhận tốt nghiệp. Lúc đó, không chỉ gia đình các học viên kiện mà chúng tôi cũng sẽ kiện yêu cầu bồi thường. Mấy lớp liên kết đào tạo đã tốt nghiệp nhưng Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc vẫn chưa thanh toán tiền cho chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu thanh toàn nhưng họ lại kêu đang khó khăn”, ông Hoàng Hiếu Lễ chia sẻ.
Để đảm bảo quyền lợi cho 28 học viên đang đứng trước nguy cơ không được công nhận tốt nghiệp và gây thất thoát ngân sách Nhà nước vì Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc liên kết đào tạo nghề trái phép, đề nghị cơ quan chủ quản là Bộ NN&PTNT và Bộ LĐTB&XH sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại