Thứ năm 18/04/2024 07:56

Trẻ sơ sinh sốt cao, li bì nhập viện do thói quen lâu năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận ca bệnh sơ sinh đến nhập viện trong tình trạng li bì, sốt cao 40 độ, co cứng toàn thân từng cơn, thở nhanh, rốn ướt, hôi.
Trẻ sơ sinh sốt cao, li bì nhập viện do thói quen lâu năm
Hiện trẻ đã dần ổn định và đang được tiếp tục điều trị (ảnh BVCC)

Theo gia đình bệnh nhi cho biết, trẻ được sinh thường, cắt rốn tại nhà. Sau 10 ngày thì trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt cao, li bì, toàn thân co cứng, thở nhanh.... Trẻ được đưa vào y tế cơ sở điều trị nhưng không đỡ và chuyển BV tỉnh điều trị.

Qua thăm khám các bác sỹ khẳng định trẻ bị uốn ván rốn, tiên lượng nặng. Hiện nay bệnh nhi đã dần ổn định, tiếp tục được điều trị tại Khoa Nhi.

Uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra, loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn.

Trẻ sơ sinh bị trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ.

Thực tế cho thấy các trường hợp cắt dây rốn bằng kéo không được tiệt trùng kỹ hoặc chỉ ngâm qua nước nóng 5- 10 phút, hay các cách cắt rốn thô sơ sẽ có nguy cơ gây bệnh uốn ván rốn sơ sinh rất cao.

Các dấu hiệu bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Thời kỳ ủ bệnh kể từ khi cắt dây rốn, trẻ có biểu hiện cứng hàm. Thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 4-15 ngày, tùy từng trường hợp nhưng trung bình là 7 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.

Thời kỳ khởi phát bệnh, trẻ có dấu hiệu khóc, quấy, bỏ bú, miệng trong trạng thái chúm chím lại, khó bú mặc dù đói nhưng không bú được. Mẹ sẽ nhận thấy dấu hiệu cứng hàm khi đè lưỡi trẻ ấn xuống. Đây là thời gian bệnh chuyển nhanh sang giai đoạn toàn phát.

Thời kỳ toàn phát, trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn có biểu hiện rõ rệt như cứng hàm thấy rõ, xuất hiện các triệu chứng co giật, co cứng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các cơn co giật, cứng cơ xuất hiện mau hay thưa, ngắn hay dài.

Ở thời kỳ lui bệnh, tình trạng bệnh sẽ tiến triển tốt hơn, các cơn co cứng, co giật giảm dần về số lượng và mức độ. Trẻ có thể bú lại mẹ, và thi thoảng vẫn xuất hiện tăng trương lực. Thường thì 1,5- 2 tháng thì trương lực cơ mới có thể trở lại bình thường.

Cụ thể biểu hiện cơn co giật ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn sẽ xảy ra một cách tự phát hoặc kích thích khi gặp ánh sáng, biếng ăn, lúc khám bệnh, trẻ có biểu hiện mặt nhăn nhúm, miệng chúm chím, sùi bọt mép, hai tay gồng lên nắm chặt.

Các cơn co giật ở trẻ uốn ván rốn sơ sinh sẽ kéo dài đến vài phút, thậm chí là 5-6h tùy tình trạng. Lúc này có nhịp tim của trẻ đập chậm lại, mạch khó bắt, chân tay đổ lạnh. Mỗi một cơn ngưng thở có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ, hoặc gây dễ bị bội nhiễm, toan hóa máu.

Trẻ uốn ván rốn sơ sinh có các cơn co cứng, người trẻ uốn cong, đầu ngả ra sau, hai tay khép chặt. Các cơn co cứng xuất hiện thường xuyên sau cơ co giật và kéo dài trong thời gian điều trị bệnh cho trẻ. Nếu tình trạng co giật, co cứng kéo dài hàng phút không có dấu hiệu thuyên giảm, trẻ có thể có nguy cơ tử vong. Ngoài ra trẻ uốn ván rốn sơ sinh có dấu hiệu sốt cao 38- 39 độ, có khi lên đến 40- 41 độ là tiền đề cho các cơn co giật diễn ra.

Phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Để phòng ngừa uốn ván rốn sơ sinh hiệu quả, bất cứ cha mẹ nào khi bắt đầu có con cũng cần biết về sự nguy hiểm, nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có ý thức phòng ngừa bệnh cho con trẻ. Cụ thể:

Phụ nữ có thai cần được theo dõi tốt, định kỳ, tránh tình trạng đẻ tại nhà, đẻ rơi.

Cần nâng cao hiểu biết, đầu tư cho việc chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván.

Loại trừ một số tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học.

Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ cho trẻ em, đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván ngoài việc tiêm huyết thanh chống uốn ván cần tiêm giải độc tố uốn ván.

Tiêm vắc-xin ngừa uốn ván cho mẹ bầu vì bệnh có thể truyền từ mẹ sang con.

Để ngăn ngừa bệnh hiệu quả nhất, nên tiêm vắc-xin phòng bệnh với tổng số lần tiêm phòng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15- 35 là 5 mũi, sản phụ lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản.

Bị uốn ván vì… lợn đạp
Đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván
Bé sơ sinh nhập viên cấp cứu sau khi được bà cắt dây rốn tại nhà
Đưa tiêm nhắc vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ 7 tuổi vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động