Thứ sáu 19/04/2024 09:18

Bị uốn ván vì… lợn đạp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi vào chuồng lợn cho lợn ăn, ông Nhu 47 tuổi ở Bắc Ninh không may bị lợn nhảy lên đạp trúng chân, gây xước da nhỏ. Vết xước sưng nề, chảy mủ, sau 10 ngày bệnh nhân bị cứng hàm, co giật…  

Đây là 1 trong 2 bệnh nhân bị uốn ván sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm. Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là ca bệnh cực kỳ hy hữu bởi đa số bệnh nhân uốn ván bắt nguồn từ các vết thương do tai nạn, lao động hoặc dẫm phải đinh, cành cây củi mục. Cả 2 bệnh nhân này đang được theo dõi, điều trị tích cực tại bệnh viện.

Trường hợp bệnh nhân Nhu, sau khi bị lợn đạp gây xước, vết thương nhiễm trùng sưng nề, chảy mủ vài ngày rồi tự lành sẹo nhưng sau 10 ngày bỗng xuất hiện dấu hiệu cứng hàm, tiến triển tăng dần thành co cứng toàn thân, co giật.

Bệnh nhân được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh khám, được chẩn đoán uốn ván nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân, phải thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao.

Trường hợp thứ 2 là ông Khang, 48 tuổi, ở Hải Dương bị gà mổ vào đầu gối xước nhỏ. Sau vài ngày vết thương liền nhưng sau đó ông cũng thấy cứng hàm. Được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh Hải Dương trong tình trạng co cứng toàn thân, có nhiều cơn co giật, bác sỹ chẩn đoán ông bị uốn ván. Sau đó, ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trogn tình trạng phải mở khí quản, thở máy và hồi sức tích cực.

Các bác sỹ cho biết, uốn ván là vi khuẩn sinh nha bào, vi khuẩn thải bớt nước và đông khô như kiểu con kén, ở thế nằm ngủ. Khi xâm nhập vào vết thương, nha bào thoát vỏ phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên tiết ra các độc tố, gây bệnh uốn ván. Nha bào phổ biến trong môi trường, đất, cát, đặc biệt môi trường có nhiều phân súc vật, số lượng nha bào nhiều lên. Vì thế, bất cứ ai bị vết thương hở đều có nguy cơ bị uốn ván.

Để phòng bệnh, tốt nhất người dân nên tiêm phòng uốn ván chủ động vì chi phí tiêm rẻ, trong khi chi phí để điều trị rất tốn kém, trung bình khoảng 100 triệu đồng/ca. Khi bị thương, người bệnh cần giải phóng dị vật trong vết thương, lấy hết đất, cát, dằm, gỗ..., cắt phần dập nát tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động