Thứ sáu 29/11/2024 14:55
Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Tránh tình trạng “bội thực chính sách” nhưng thiếu vốn thực hiện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tiếp tục chương trình nghị sự, ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Có thể khẳng định rằng, 118 chính sách đang có hiệu lực bao phủ hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với kết quả tăng trưởng cao, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, chính sách tín dụng cho người nghèo của Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng nông nghiệp thực sự là “bà đỡ” có hiệu quả. Chính vì vậy, đời sống kinh tế - xã hội, diện mạo buôn làng không ngừng được nâng lên, tạo ra động lực mới, niềm tin mới trong đồng bào các dân tộc”, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn 221.754 hộ thiếu đất sản xuất, 80.960 hộ thiếu đất ở, 370.150 hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, Đề án đã nêu rõ nguyên nhân, tồn tại, có thể khái quát tình trạng “bội thực chính sách” nhưng thiếu nguồn vốn. Điển hình như chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1%, tổng nhu cầu vốn.

tranh tinh trang boi thuc chinh sach nhung thieu von thuc hien
Đại biểu Đinh Duy Vượt: "Quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác".

“Nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định 2085, 2086; Chính sách bảo vệ rừng theo Nghị định 75, Quyết định 38. Nguyên nhân là do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác. Lại có chính sách "quan cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang", đại biểu Vượt nói.

Trước thực trạng này, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị, cần phân định rõ những lĩnh vực nào phải đầu tư toàn diện, lĩnh vực nào là trợ giúp. Thực tế, nhiều chính sách thời gian qua chỉ hỗ trợ chứ không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vì hộ nghèo thì không có tiền để đóng góp. Bên cạnh đó, bỏ chính sách cấp phân bón, cấp giống cây, thậm chí cấp bò cho hộ nghèo thiếu điều kiện, vì không hiệu quả và lãng phí, phân tán nguồn lực.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, mục tiêu chính mà Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khi xây dựng đề án, đó là phải tích hợp được các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý. Tuy nhiên, theo đại biểu, qua nghiên cứu đề án vẫn chưa nhận ra được rõ cơ chế tích hợp chính sách như thế nào, tích hợp hay mới chỉ cộng dồn cơ học các chính sách hiện hành và chưa có đánh giá những yếu tố, những nội dung phù hợp đang phát huy hiệu quả của các chính sách để tiếp tục duy trì.

Đại biểu đề nghị cần quan tâm làm rõ thêm việc có thêm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng lại chưa rõ được mối quan hệ cũng như phân biệt phạm vi, đối tượng so với hai chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang thực hiện, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

“Tránh lo cho người nghèo kiểu đối phó”

Phát biểu về một số nội dung liên quan, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng khẳng định các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã có tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu bày tỏ sự tán thành với kết quả đạt được đã được nêu tại đề án của Chính phủ.

Góp ý một số chỉ tiêu trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ từ 85% cho đến 90% bao quát hơn, tránh lo cho người nghèo theo kiểu đối phó. “Thực tế có trường hợp hộ gia đình có được tiếp cận nước sinh hoạt nhưng không được sử dụng thường xuyên. Vấn đề này đã được phản ánh tại Báo cáo giám sát giảm nghèo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu nói.

Về chỉ tiêu có trên 80% phụ nữ được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, đại biểu góp ý, :trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa, tiến tới sự công bằng, văn minh, xã hội thì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi khám, chữa bệnh cần phải được bác sĩ thực hiện và được khám, chữa bệnh bằng các trang thiết bị y tế tiên tiến”.

“Chỉ khi nào chất lượng và hiệu quả của việc khám, chữa bệnh làm hài lòng được người dân thì chắc chắn sẽ thu hút được người dân chủ động, tự nguyện đến với cơ sở khám, chữa bệnh và ngược lại. Do đó nghiên cứu quy định chỉ tiêu về nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tuyến, giảm tải tuyến trên”, đại biểu đề xuất..

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động