Trách nhiệm pháp lý trong vụ nổ hố gas khiến 3 người thương vong
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ tai nạn lao động khiến 1 người chết và 2 người bị thương ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Đà Đông) |
Nổ hố gas khiến 1 người chết, 2 người bị thương
UBND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã có báo cáo về vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương tại cụm công nghiệp Phú Lâm. Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định là do nổ hố gas.
Theo đó, vào khoảng 9h30 ngày 9/4, tại Công ty cổ phần giấy Hưng Lợi, nằm trong cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã xảy ra vụ TNLĐ, do nổ bể ngầm chứa nước thải.
Vụ việc khiến 1 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương. Nạn nhân tử vong là anh Q.V.T., SN 1993, quê ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La; 2 người bị thương quê ở tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Thanh Hóa, đã được chuyển tới bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu, điều trị.
Theo báo cáo, Công ty cổ phần giấy Hưng Lợi rộng khoảng 4.000m2, đã dừng hoạt động. Thời điểm xảy ra vụ việc, doanh nghiệp này đang sửa chữa, lắp đặt thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã có mặt, khẩn trương đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Liên quan đến sự việc trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao CA tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Công ty cổ phần giấy Hưng Lợi chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, đồng thời thực hiện nghiêm quy trình và các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ).
Qua vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm nghiêm ngặt các quy tắc an toàn lao động, vệ sinh bảo vệ môi trường làm việc. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan
Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại khoản 8 Điều 3, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định rõ, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Nếu cơ quan chức năng xác định được nạn nhân trong vụ nổ hố gas thuộc trường hợp TNLĐ thì theo Điều 38 của Luật này, dù cho lỗi thuộc về bên nào thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường đối với NLĐ.
Nếu hồ sơ điều tra vụ việc cho thấy có lỗi do người sử dụng lao động không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn lao động thì cơ quan có chức năng quản lý, giám sát trên địa bàn xảy ra vụ việc cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Luật sư Thái phân tích, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn sẽ xác định mức bồi thường.
Cụ thể, theo Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% - 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp;…
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.
Nếu NLĐ đủ điều kiện được hưởng chế độ TNLĐ theo Điều 45, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động, cụ thể suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần, và từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Đối với NLĐ không may tử vong, thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
“Trong vụ việc trên, nếu xác định có hành vi vi phạm an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”- luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Cụ thể, theo Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-12 năm. Ngoài ra, còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chế tài xử lý người nước ngoài cầm đầu đường dây tín dụng đen thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng | |
Những tội danh nghi phạm bắt cóc 2 cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ phải đối diện |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại