Chế tài xử lý người nước ngoài cầm đầu đường dây tín dụng đen thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Katerynchyk Roman (quốc tịch Ukraine) tại CQCA. Ảnh: CACC |
“Cất lưới” nhóm tín dụng đen
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, ngày 8/4, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (C02) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Khánh Hòa triệt phá thành công băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” do người nước ngoài cầm đầu.
Qua điều tra, công an xác định đường dây do Katerynchyk Roman (38 tuổi, quốc tịch Ukraine) cầm đầu. Katerynchyk Roman đã câu kết với Lê Thanh Huỳnh Cang (53 tuổi) và Nguyễn Thị Nhất Phương (34 tuổi) để hoạt động tín dụng đen qua app Easycash.vn, Oncredit hoặc website Oncredit.asia.com.
Từ năm 2019, Roman đưa Cang số tiền 400.000 USD để hoạt động cho vay, đến tháng 4/2023, Roman chỉ đạo Công ty Lộc Tín tiếp tục nhận 11 triệu USD từ Công ty SCA của Singapore và ngân hàng TAS của Đảo Síp. Đường dây này xét duyệt quy trình cho vay từ 500.000 đồng đến vài chục triệu đồng bằng phần mềm do người nước ngoài viết với lãi suất 365% - 1.971%/năm.
Qua các tài liệu thu thập, CQCA xác định những người này đã cho hàng trăm nghìn khách hàng vay, thu lời bất chính hàng nghìn tỉ đồng. Thủ đoạn của nhóm này là thành lập các doanh nghiệp núp bóng, sử dụng công nghệ cao để hoạt động.
Đến thời điểm hiện tại, Cục Cảnh sát hình sự đã triệu tập 63 người liên quan lên làm việc, thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Mức xử phạt để đủ sức răn đe
Luận bàn dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở điều tra ban đầu, các đối tượng cho vay với mức lãi suất từ 365-1.971%/năm.
“Bởi vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng vi phạm. Trên cơ sở xem xét, điều tra cũng như những yếu tố khách quan, chủ quan hoặc vai trò từng đối tượng, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để làm rõ, xử lý" - luật sư Thái phân tích.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái viện dẫn, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên) thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Điều 201, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Tùy mức thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng mà khung hình phạt tội này có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Trường hợp cho vay vượt mức 20%/năm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tức chưa tới mức lãi suất 100%/năm) thì bị xử phạt hành chính với quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 12, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm như sau: mức xử phạt là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với cá nhân vi phạm (đối với tổ chức thì mức phạt tiền là 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Đồng thời người vi phạm phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cho vay nặng lãi thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,… thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, hiện nay quy chế chế tài với tội cho vay lãi nặng còn quá nhẹ, nhất là chỉ quy định hai khung: thu lợi bất chính từ 30 - 100 triệu và khung trên 100 triệu đồng. Như vậy, người thu lợi bất chính 100 triệu đồng nếu xử kịch khung thì cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù, trong khi người thu lợi bất chính hàng chục tỷ hay trăm tỷ thì cũng chỉ bị tối đa 3 năm tù. “Do vậy cần nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe với loại tội phạm này” - Luật sư Nguyễn Hồng Thái đề xuất.
Người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Việt Nam sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay, Điều 5, BLHS năm 2015 đã nêu, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, luật sư Thái cũng nhấn mạnh, khoản 2 Điều 5 của Bộ luật này cũng quy định, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo Tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của Điều ước quốc tế hoặc theo Tập quán quốc tế đó; trường hợp Điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có Tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Theo luật sư Thái, đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, bao gồm: cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của những cơ quan đó, cũng như thành viên gia đình họ.
Bên cạnh đó, với người nước ngoài phạm tội, BLHS còn quy định một hình phạt riêng với người nước ngoài là trục xuất. Trục xuất có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong một thời hạn nhất định theo Điều 37, BLHS năm 2015.
Vụ tài xế hất cảnh sát lên nắp capo: chế tài xử lý đối với chủ xe | |
Tình huống pháp lý vụ cháu bé 8 tháng tuổi tử vong bất thường tại cơ sở trông giữ trẻ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại