Tổng thu ngân sách Nhà nước bằng 111,3% so với cùng kỳ năm trước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThành phố Hà Nội đang thực hiện tốt các giải pháp phục hồi, tập trung phát triển nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Tại hội nghị Hội nghị thông tin về tình hình KT-XH tháng 1-2022, đại diện Hà Nội cho biết: Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 45.872 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, bằng 111,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 3.041 tỷ đồng, đạt 13,9% dự toán, bằng 170,2% so với cùng kỳ. Thu nội địa là 42.832 tỷ đồng, đạt 14,8% dự toán.
Bên cạnh đó, Chi ngân sách địa phương ước đạt 5.264 tỷ đồng, đạt 4,9% dự toán đầu năm, bằng 113,1% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 750 tỷ đồng, đạt 1,5% dự toán, bằng 90,2% so với cùng kỳ. Chi thường xuyên là 4.345 tỷ đồng, đạt 8,2% dự toán, bằng 113,6% so với cùng kỳ.
Thành phố Hà Nội đang thực hiện tốt các giải pháp phục hồi, tập trung phát triển nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tháng Một đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1-2022 tăng trên 2 con số so với cùng kỳ: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.563 triệu USD, giảm 3,6% so tháng 12-2021 và tăng 32,6% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.498 triệu USD, giảm 0,4% so với tháng 12 và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 8,3% so với tháng 12-2021 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (3 tháng trước, trong và sau Tết) với tổng giá trị ước khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương Kế hoạch năm 2021). Các doanh nghiệp khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-15% so với năm 2021; đồng thời đảm bảo tốt nhất nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Tổ chức thành công các chương trình khuyến mại, hội chợ kích cầu mua sắm trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.
Hỗ trợ 26 tỉnh, thành phố và 2000 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố; hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 300.000 tấn hàng từ các địa phương; nhiều sản phẩm được đưa vào 57 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP.
Doanh thu ngành vận tải tháng 1-2022 cũng tăng. Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 1 ước đạt 12.594 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng 12 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch Hà Nội cũng khởi sắc trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt là du lịch nội địa. Khách quốc tế tháng 1-2022, ước đạt 17 nghìn lượt khách, tăng 5,1% so với tháng 12 và giảm 22,5% so với cùng kỳ. Khách nội địa ước đạt 126 nghìn lượt khách, tăng 3,2% so với tháng 12 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động tín dụng, ngân hàng tháng 1-2022 cũng tăng. Công tác thu hút FDI tính đến ngày 20-1-2022 là 442 triệu USD. Điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án ngoài ngân sách với số vốn 73 tỷ đồng. Đăng ký doanh nghiệp, ước trong tháng 1 có 2.253 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 20.231 tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và giảm 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ), 296 doanh nghiệp giải thể (giảm 3%), 6.967 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 9%); 4.583 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 58%).
Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện là 265.771 tỷ đồng (báo cáo trước đây là 264.540 tỷ đồng), đạt 112,8% dự toán Trung ương giao (105,7% dự toán TP giao), bằng 92,4% so với số quyết toán thu năm 2020. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2021 là 84.773,9 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán Trung ương giao và đạt 78,1% dự toán Thành phố giao đầu năm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại