Tổng thống Macron sẽ làm gì sau chiến thắng tranh cử?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCam kết chống lại sự chia rẽ
Sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, lễ ăn mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron đã được tổ chức ngay tối 7-5 ở bên ngoài khuôn viên Bảo tàng nghệ thuật Louvre, trung tâm Paris. Phát biểu trước đám đông hàng chục nghìn người, ông Macron đã cảm ơn những người ủng hộ đã đi cùng ông trong chặng đường gian khó vừa qua.
Ông xúc động nói: “Chúng ta đã làm được điều chưa từng có tiền lệ, với một mức độ chưa từng có. Tất cả mọi người đều nói rằng điều đó là không thể. Nhưng họ chưa biết thế nào là nước Pháp. Cảm ơn các bạn vì sự quyết tâm và cả những khó khăn mà các bạn đã vượt qua. Các bạn đã chiến thắng. Nước Pháp đã chiến thắng.”
Tổng thống đắc cử Macron cũng bày tỏ lời cảm ơn tới những người đã bỏ phiếu cho ông mà chưa hẳn đã chia sẻ các quan điểm của ông và cho rằng đó là hành động “bảo vệ nền cộng hòa Pháp chống sự cực đoan”. Ông cũng thể hiện sự tôn trọng đối với những cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Marine Le Pen “vì niềm tin” và cam kết rằng sẽ làm hết sức để người dân Pháp “không còn lý do để bỏ phiếu cho những tư tưởng cực đoan” trong 5 năm tới.
Ông Macron cũng đề cao sự đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc Pháp, cam kết bảo vệ nước Pháp và hành động xứng đáng với niềm tin của người dân. Theo ông, châu Âu và thế giới đang mong đợi nước Pháp có những việc làm nhằm bảo vệ những “tư tưởng Ánh sáng” vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi, bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ những người bị áp bức. Ông Macron nói: “Thế giới đang nhìn chúng ta. Họ chờ đợi chúng ta mang đến một niềm hy vọng mới, một chủ nghĩa nhân bản mới, một thế giới an toàn hơn, một thế giới nơi tự do được bênh vực, một thế giới tăng trưởng cao hơn, công bằng hơn, bảo vệ sinh thái tốt hơn”.
Tổng thống đắc cử Pháp cũng cho rằng nhiều trách nhiệm nặng nề đang chờ đón ở phía trước và các trách nhiệm đó sẽ bắt đầu ngay ngày hôm sau. Đó là phải hình thành được một đa số thực sự và mạnh mẽ trong trong Quốc hội, thiết lập được yêu cầu đạo đức trong đời sống công, bảo vệ sức sống của nền dân chủ, chấn hưng kinh tế, sao cho mỗi người dân, thông qua giáo dục và việc làm, có một chỗ đứng trong xã hội. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần phải đổi mới châu Âu.
Cuối cùng, ông Macron cam kết sẽ chiến đấu với tất cả sức lực của mình để chống lại sự chia rẽ đã làm nước Pháp suy yếu, sẽ phục vụ nước Pháp với tất cả sự tận tụy, lòng quyết tâm và sự khiêm nhường vì các giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái.”
Trong khi đó, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã thừa nhận thất bại, đồng thời khẳng định, đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cần phải có nhiều cải cách sâu rộng. Trong một bài phát biểu ngắn trước người hâm mộ sau khi xuất hiện quả ban đầu cho thấy ông Macron giành chiến thắng, bà Le Pen khẳng định, đảng FN phải có những sự thay đổi sâu sắc để nắm bắt những cơ hội lịch sử cũng như đạt được sự kỳ vọng của người dân Pháp.
Bà Le Pen khẳng định sẽ thay đổi FN để tạo ra một lực lượng chính trị mới. Cựu chủ tịch đảng FN cũng chúc ông Macron thành công trong việc giải quyết những thách thức khổng lồ mà tân tổng thống Pháp phải đối mặt. Bà Le Pen cũng tuyên bố sẽ dẫn dắt FN trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6-2017.
Ngày 7-5, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng chúc mừng ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trước đối thủ Marine Le Pen trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp và một loạt lãnh đạo các nước châu Âu (như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland, Thụy Điển,...) và Brazil cũng đã lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Macron.
Hoàn cảnh đặc biệt tạo nên con người đặc biệt
Ở tuổi 39, ông Macron trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Mặc dù tốt nghiệp trường Hành chính quốc gia (ENA) danh giá của Pháp và có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng ông Macron chưa từng ra tranh cử cho bất kỳ vị trí nào trong chính quyền các cấp. Cách đây 3 năm, ông vẫn hoàn toàn vô danh trên chính trường nước Pháp. Năm 2012, ông được Tổng thống Pháp Francois Hollande bổ nhiệm làm PGĐ Văn phòng Tổng thống Pháp, phụ trách chính sách kinh tế.
Vào tháng 6-2014, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số. Trong quãng thời gian 2 năm, Bộ trưởng Macron đã để lại nhiều dấu ấn, nổi bật là chính sách kinh tế với việc Luật Macron về cải cách kinh tế và hoạt động thương mại được thông qua.
Ông theo đuổi đường lối kinh tế tự do, chủ trương tiến hành các cải cách sâu rộng nhằm vực dậy nền kinh tế Pháp. Ông có quan điểm cởi mở với người nhập cư, ủng hộ hội nhập châu Âu, củng cố trục Pháp-Đức và duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Giống như một luồng gió mới, ông đem đến cơ hội đổi mới nền chính trị và đồng thời chấn hưng nền kinh tế Pháp. Trong bối cảnh nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) và nhà tỷ phú Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" hồi tháng 11-2016, chính vì vậy, chiến thắng của ông Macron cũng là tin vui cho châu Âu.
Hoàn cảnh đặc biệt tạo nên con người đặc biệt. Nếu hai chính đảng lớn của Pháp không chịu sự chỉ trích của người dân, không khiến họ quá bất mãn với những gì đang diễn ra hiện nay, thì có lẽ Emmanuel Macron - 39 tuổi, người vốn “vô danh” với phần lớn cử tri khác vào thời điểm cách đây một năm - có lẽ vẫn sẽ chỉ được coi một là quan chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, chứ không phải là một chính trị gia thu hút đến như vậy.
Macron có phong thái của John F. Kennedy và vận động tranh cử theo kiểu Barack Obama. Tuy nhiên, ông có được vị trí như ngày hôm nay là bởi đảng Xã hội của Francois Mitterrand đang lụi tàn, và những người cộng hòa bảo thủ đang chia rẽ. Đảng Xã hội không thể đưa ra một mục tiêu chính trị hợp thời, hợp lòng người, trong khi bê bối của ứng cử viên Fillon và việc phe cộng hòa không tìm được người thay thế vô hình trung đã khiến họ "tự bắn vào chân mình."
Sắp tới, ông Macron chắc chắn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức, bắt đầu là cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới, nơi ông phải tìm kiếm các đồng minh trong giới lập pháp. Liệu ông có thể giành được đa số tại Quốc hội, hay cánh hữu sẽ đoàn kết lại và đẩy ông vào một “cuộc hôn nhân” không mấy êm ả? Tất cả vẫn là điều chưa ai dám chắc.
Chính quyền có thể sẽ bị tê liệt nếu tổng thống và thủ tướng có những quan điểm trái chiều, song trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Macron từng thể hiện rằng ông có thể đứng đầu một chính phủ liên minh, một “liên minh quyết tâm”, chấp nhận cả những khác biệt và cả đồng thuận về mặt chính trị, để cùng tiến tới một mục đích chung.
Có lẽ nước Pháp đã sẵn sàng để được dẫn dắt bởi một chính phủ liên minh, đủ sức xóa nhòa ranh giới chính trị đã lỗi thời giữa phe cánh tả và cánh hữu. Mâu thuẫn chính trị hiện nay ở Pháp, hay rộng hơn là trong xã hội phương Tây, thực chất là những bất đồng giữa một bên ủng hộ toàn cầu hóa, với một bên là những người muốn quay trở lại các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trước đây.
Những bất đồng truyền thống giữa cánh tả và cánh hữu là điều không thể phủ nhận, và sự giận dữ của người dân trước những vấn đề trong xã hội cũng đang ngày càng rõ nét tại nước Pháp. Không phải vô cớ mà gần 40% cử tri Pháp bỏ phiếu ủng hộ cho các ứng cử viên hoài nghị sự hội nhập châu Âu như Le Pen và Melenchon trong vòng một. Việc khôi phục lòng tin của các cử tri đối với các thể chế hiện hành, lôi kéo sự ủng hộ của họ về phía các tư tưởng chính trị chủ lưu là điều không đơn giản.
Emmanuel Macron đã thể hiện ông có đủ phẩm chất của một ứng cử viên tổng thống Pháp. Sau ngày 7-5, ông sẽ càng phải chứng minh nhiều hơn nữa, rằng dù trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm, song ông vẫn có thể trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại. Thắng trong cuộc bầu cử là một chuyện, dùng quyền lực ấy theo cách nào và hiệu quả tới đâu lại là chuyện khác. Ngay lúc này, có lẽ cũng không quá khi nói rằng ông Macron là một tia hy vọng trong bối cảnh đầy hoài nghi và chia rẽ trên chính trường Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.
Hồng Phúc / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại