Thứ năm 14/11/2024 22:16

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV vận động bầu cử tại Đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 8-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XV tại Đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội (gồm ba quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Cuộc tiếp xúc được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ quận Ba Đình tới 53 phường của ba quận với tổng số cử tri tham dự là hơn 2.400 người. Tại điểm cầu quận Ba Đình, Ban Tổ chức đề nghị cử tri giữ khoảng cách để tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid- 19.

Về phía đại biểu TP Hà Nội tham dự tại điểm cầu quận Ba Đình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cùng các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội.

Cùng tham gia vận động bầu cử tại Đơn vị bầu cử số 1 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các ứng cử viên: Ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; bà Nguyễn Thị Hà Tuyên - Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ và ông Vũ Tiến Vượng - Nghiên cứu viên khoa kinh tế và phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ông Vượng vắng mặt vì có việc gia đình đột xuất, theo thông báo của Ban Tổ chức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV vận động bầu cử tại Đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc (Ảnh Duy Linh).

Cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân

Sau khi Ban Tổ chức trình bày tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, các ứng cử viên lần lượt trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri. Điểm chung của các chương trình hành động là các ứng cử viên đều cam kết sẽ gắn bó mật thiết với cử tri, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri và cam kết sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Trình bày chương trình hành động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chương trình hành động ông đã gửi đến Ban Tổ chức, xin không trình bày lại mà dành thời gian để tâm sự với cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

“Tiểu sử của tôi cũng đã gửi đến các bác, các anh, các chị. Quá trình công tác thì các bác, các anh, các chị cũng đã biết, kể cả lời hứa nếu sắp tới trúng đại biểu Quốc hội làm gì, tôi cũng đã có chương trình hành động”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và xin được tâm sự trong không khí thân tình, xin không nhắc lại chương trình hành động đã gửi bằng văn bản trong không khí thân tình.

Tổng Bí thư cho biết: “Tôi sinh năm 1944, tức là năm Giáp Thân. Lâu nay, chúng tôi vẫn nói vui: "người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, thân em thì ngậm ngùi tuổi Thân". Tôi sinh ở Đông Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh, sau này sắp xếp lại thì thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Tôi vẫn nói em là dân ngoại ô, dân nửa quê, nửa tỉnh nên thành thử hiểu biết không nhiều”.

Theo Tổng Bí thư, năm 1944 là thời điểm đất nước đang khó khăn, năm 1945 (năm Ất Dậu) là năm Cách mạng Tháng 8 thành công rất vĩ đại nhưng năm đó đói ghê lắm. Nhà thì nghèo, nông thôn, có ruộng đất gì đâu, thành phần bần nông, cố nông. Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến, nhưng thực dân Pháp cai trị nước ta, mở rộng ách áp bức bóc lột nên chúng tôi phải tản cư lên Thái Nguyên. Năm 1946 tôi mới 2 tuổi. Mẹ tôi kể lại, gánh tôi một bên thúng ngồi, chị tôi một bên thúng ngồi, bà gánh đi bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên tản cư, ở nhờ nhà người quen từ năm 1946 đến năm 1950. Năm 6 tuổi, tôi hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học. Lúc đó không có trường lớp gì cả, có ông giáo làng dạy cho trẻ con. Đến lên cấp 2, Từ Sơn, Bắc Ninh không có trường học, tôi phải sang học nhờ ở huyện Gia Lâm.

“Nhà tôi sang đó phải đi qua con sông Đuống. Nhà không có đồng hồ, gà gáy bố gọi dậy để đi học thôi. Tôi đi một mình, mới 11 – 12 tuổi, đi bộ suốt từ nhà sang Gia Lâm, học hết cấp 2, 3 trường Nguyễn Gia Thiều. Các cụ còn dặn đừng sợ, cứ nhìn về đằng trước, cảm thấy ai đằng sau cũng đừng quay lại vì quay lại càng sợ. Lúc ra ngồi gần bến đò chả có giờ giấc gì, có khi 3-4 giờ sáng cứ ngồi đó chờ sáng để người ta chở đò qua sông Đuống, đi qua mấy thôn. Đi dọc đường, chó sủa cắn mà chỉ có một mình”- Tổng Bí thư kể.

Tổng Bí thư cho biết, lúc bấy giờ có viết thư tình nguyện xin vào Nam chiến đấu nhưng không được chấp thuận và được giải thích có người phải đi chiến đấu nhưng có người phải ở lại học để chuẩn bị mai kia thắng lợi còn xây dựng đất nước. Bản thân Tổng Bí thư đi học cũng tiến bộ, từ đội viên lên đoàn viên, rồi cũng được làm lớp trưởng, bí thư chi đoàn. Sau đó, đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc và được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp khoa Văn, rồi lại lên Thái Nguyên. Thời đó học xong không phải đi xin việc mà cuối khóa, các cơ quan về xét lý lịch, hồ sơ.

“Tôi vào Đảng từ năm học Đại học, được sự phân công của Đảng, tôi chấp hành thôi. Sau đó tôi được phân về Tạp chí Cộng sản từ năm 1967. Đến năm 1996, được chuyển lên Trung ương, làm công tác tư tưởng, chính trị, nghiên cứu lý luận, phụ trách công tác lý luận của Đảng và làm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Từ năm 1996, được phân công về Hà Nội, làm Phó Bí thư Thành ủy, phụ trách khối Đại học và Cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hà Nội. Sau đó, làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ năm 2000 - 2006”- Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng chia sẻ: “Tôi năm nay 77 tuổi rồi. Tại họp báo sau Đại hội, tôi đã nói công khai, năm nay tôi đã cao tuổi rồi, sức khoẻ có hạn, tôi xin không ứng cử nhưng Trung ương quyết định, Đại hội bầu, là đảng viên nên tôi phải chấp hành. Nay tôi xin tâm sự thật, cũng là ngậm ngùi tuổi Thân ở chỗ đó. Tuổi Thân vất vả. Lần này được Trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Hôm rồi tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, tôi cũng đã nói như thế này là nhờ sự giúp đỡ của Nhân dân, sự giáo dục của Đảng, sự chia sẻ của tất cả anh em đồng nghiệp. Tôi đã tiếp xúc cử tri nhiều lần ở quận Ba Đình và lắng nghe ý kiến của các bác. Lần này được giới thiệu, nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, làm những gì đã có trong chương trình hành động” - Tổng Bí thư chia sẻ.

Đóng góp tâm huyết để đưa đất nước phát triển

Sau khi nghe toàn bộ chương trình hành động của 5 ứng cử viên, cử tri ở cả 3 quận đánh giá cao các chương trình hành động này và nêu thêm một số vấn đề các ứng viên cần quan tâm. Cụ thể, cử tri Nguyễn Quốc Thước (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) kể lại thời gian làm đại biểu Quốc hội, có lần ông nói thẳng cũng lo, nhưng sau vẫn "thoát nạn". Ông nhắn nhủ các ứng viên nếu trúng cử phải biết hy sinh vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì Nhân dân, làm như thế sẽ được dân ủng hộ.

Còn cử tri Nguyễn Thị Ngọc Diễm (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ tin tưởng vào chương trình hành động của Tổng Bí thư. Gia đình Tổng Bí thư sống tại phường Nguyễn Du, bản thân Tổng Bí thư và gia đình gần gũi, cởi mở, có nhiều đóng góp tại cộng đồng. Vì vậy, cử tri này mong muốn Tổng Bí thư và các ứng viên quan tâm đến mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2025, 2030, 2045 mà nghị quyết Đại hội XIII đã nêu và bày tỏ sẽ đồng lòng, chung sức thực hiện mục tiêu đó.

Cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) nói khi nhắc đến thành quả phòng chống tham nhũng, cử tri đều nhớ đến vai trò của Tổng Bí thư. "Cử tri chúng tôi đều mong bác Trọng tiếp tục giữ cương vị như hiện nay và điều đó đã thành hiện thực" – cử tri Thuận nói và đề nghị các ứng viên nếu trúng cử cần tiếp tục quan tâm đến bảo vệ chủ quyền, kiểm soát quyền lực, đẩy mạng chống tham nhũng, sửa luật để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Với Hà Nội, cử tri Nguyễn Đức Thuận cho rằng, cần kiểm soát quyền lực tốt hơn để bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. "Là cử tri tôi tin tưởng cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôi tin tưởng các đại biểu trúng cử nhiệm kỳ mới là nhân tố mới cùng Đảng, Nhà nước đưa đất nước phát triển phồn vinh" – cử tri Thuận phát biểu.

Cử tri Nguyễn Văn Đoàn (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho rằng, nhiệm kỳ qua còn có sự thật đau lòng là còn có cán bộ đảng viên, đại biểu Quốc hội thiếu gương mẫu, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân. "Hơn lúc nào hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đề nghị Quốc hội cần có biện pháp đúng và quyết tâm cao ngăn chặn phòng ngừa sai lệch trong đường lối chính sách, tự diễn biến tự chuyển hoá" – cử tri Đoàn bày tỏ.

Trong khi đó, Vũ Hữu Chương (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ tin tưởng khi nghe tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên. "Người được cử tri tin tưởng tuyệt đối là Tổng Bí thư, tôi rất tin tưởng và tín nhiệm Tổng Bí thư tái cử làm đại biểu Quốc hội khoá XV. Cán bộ cơ sở và Nhân dân phường Nguyễn Du, nơi gia đình Tổng Bí thư sinh sống nhiều lần tiếp xúc đều quý mến Tổng Bí thư vì sự giản dị, chân tình, gần gũi, luôn quan tâm đến các hoạt động của địa phương của Tổng Bí thư" – cử tri Chương phát biểu.

Đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Trao đổi sau khi nghe ý kiến cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã đến dự cuộc tiếp xúc. "Chắc các ứng cử viên có chung tâm trạng như tôi, rất vui mừng vì các ý kiến rất đúng đắn, tình cảm, nêu lên những vấn đề lớn của đất nước, của Thủ đô. Đồng thời, mong muốn đất nước và Thủ đô ta sắp tới phát triển mạnh hơn, xứng đáng với vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Điều này cũng phù hợp với ý chí chung, nguyện vọng chung của các vị đại biểu dự Đại hội XIII và đại biểu Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ vừa rồi" - Tổng Bí thư chia sẻ.

Nhắc lại nhận định "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - Tổng Bí thư chia sẻ "Trước kia làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập. Ngày xưa Hà Nội làm gì có cơ ngơi như bây giờ mà nổi tiếng là thành phố xe đạp, xe máy, bây giờ ô tô không có chỗ đỗ. Tôi đã nói trước các nguyên thủ quốc gia là Việt Nam không thua kém ai cả".

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến tạp và còn rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển đi lên. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp trên phải gương mẫu, đại biểu Quốc hội phải do dân, vì dân.

Tổng Bí thư cũng bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ thực sự thành công, bầu ra đại biểu xứng đáng vào Quốc hội. "Từng đại biểu phải làm tròn trách nhiệm, không được "cua cậy càng, cá cậy vây", phải đoàn kết. Các bác, các anh, các chị nói quá hay, quá đúng, chúng tôi dù có trúng cử hay không cũng phải làm công dân gương mẫu của nước Việt Nam anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trần Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động