Tôm hùm xanh tuy được giá, nhưng người dân Khánh Hòa vẫn chưa hết lo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTôm hùm xanh đang được các thương lái thu mua giá cao. |
Giá tôm hùm xanh tăng cao
Nhưng ngày qua, các hộ nuôi tôm hùm xanh tại vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đang cảm thấy phấn khởi khi giá tôm đang có xu hướng tăng.
Ông Ngọc Quang - một người nuôi tôm hùm tại phường Cam Linh, TP Cam Ranh cho biết, hiện các thương lái đang thu mua tôm hùm xanh kích cỡ 3 - 4 con/kg với giá từ 1,1 triệu đến 1,2 triệu đồng/kg. Theo ông Quang, với giá trên một lồng tôm từ 300 - 350 con sau khi các chi phí, hao hụt, từ ngày thả nuôi đến 9-10 tháng sau có thể thu lời khoảng 50 triệu đồng/lồng.
Ông Bảy Ngọc - một người nuôi tôm hùm xanh tại vịnh Cam Ranh phấn khởi khoe, gia đình vừa xuất bán 3 lồng tôm được hơn 2,5 tạ thu lời hơn 100 triệu đồng. Theo ông Bảy Ngọc, ông thả tôm giống từ cuối năm 2022 đến nay thì vào size để xuất bán.
“Họ thu mua cả lồng (cả con lớn và nhỏ) tính giá 1.040.000 đồng/kg, thấy giá khá cao nên bán ngay. Tuy tôm cũng có một số con nhỏ nhưng không dám giữ lại đợi vụ cuối năm vì lại sợ mất giá”- ông Bảy Ngọc cho biết.
Trong khi đó, các hộ nuôi tôm hùm tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh nơi được ví là “thủ phủ” tôm hùm xanh tại Khánh Hòa với khoảng 16.000 lồng bè nuôi tôm cho biết, đầu năm 2023 đến nay giá tôm trồi sụt khiến người nuôi bất an.
Nếu đầu năm giá tôm xanh chỉ khoảng 600.000 - 700.000 đồng/kg thì nay đã tăng gần gấp đôi, với mức giá này tôm dù chưa vào size nhưng “bán non” cũng có lời.
Tuy nhiên người dân khu vực này cho biết, do hồi tháng 6 - 7, tôm hùm xanh được giá từ 900.000 đến gần 1 triệu đồng/kg nên đã có nhiều hộ xuất bán. Do đó, nay tuy giá tôm gần như “đạt đỉnh” nhưng không có nhiều tôm để bán cho thương lái.
Tôm hùm được thu mua chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. |
Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình, TP Cam Ranh cho biết, hiện nay, giá tôm hùm tại đảo Bình Ba và Bình Hưng tăng cao, có hôm các thương lái thu mua hơn 1,2 triệu đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Ân, đây không phải chính vụ nhưng do có giá cao nên tôm hùm xanh dù còn nhỏ khoảng 200 gam trở lên bà con đã bán rồi. Có người mới thả nuôi được hơn 6 tháng đạt trên 200 gam cũng xuất bán để xoay đầu vốn.
Hướng đến đăng ký vùng nuôi
Trong khi giá tôm hùm xanh đang tăng cao thì giá tôm hùm bông (chủ yếu được nuôi tại khu vực vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) lại gần như “bất động” vì các thương lái không thu mua.
Nhiều hộ nuôi tôm hùm bông tại Vạn Ninh vẫn phải chi từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi ngày để mua thức ăn cho tôm dù con tôm đã đủ size xuất bán.
Người nuôi tôm hùm bông tại Vạn Ninh lo lắng vì tôm vào size bán không ai mua. |
Ông Thắng có hơn chục lồng tôm hùm bông ở vịnh Vân Phong cho biết, hiện nay tôm bông chủ yếu bán thị trường nội địa nên tiêu thụ khá chậm. Do không bán số lượng lớn được nên người dân phải gồng tiền thức ăn để tôm không ăn nhau khi đói.
Một thương lái chuyên mua tôm tại khu vực này cho biết, không hiểu vì lý do gì tồm hùm xanh vẫn được nhập vào thị trường Trung Quốc trong khi Trung Quốc vẫn “đóng biên” với tôm hùm bông.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, tôm hùm xanh tại địa phương hiện được giá nhưng tôm hùm bông không thể xuất bán dù tôm của nhiều hộ nuôi đã vào size.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, qua nắm bắt thông tin thì thị trường tôm hùm bông chủ yếu xuất đi Trung Quốc nhưng hiện nay không xuất bán được nên người nuôi đang gặp khó.
“Giai đoạn này địa phương chuẩn bị bước vào mùa mưa bão nên chính quyền địa phương có khuyến cáo người dân di chuyển các lồng bè vào vùng kín gió, kín sóng để tránh rủi ro trong khi chờ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại” - ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết.
Con tôm hùm tại Khánh Hòa vẫn còn lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. |
Còn theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, thời gian qua tôm hùm chủ yếu được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết, riêng mặt hàng tôm hùm không chỉ Trung Quốc, mà nhiều thị trường khác trên thế giới đang muốn Việt Nam xuất khẩu bằng đường chính ngạch, để truy xuất nguồn gốc.
"Do đó, để không phụ thuộc vào một thị trường, các doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm hùm phải nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đồng thời, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Về quy trình nuôi, hiện Chi cục đã triển khai cho các địa phương và khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ các quy định, để sản phẩm đủ điều kiện xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” - ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại