Tình huống pháp lý vụ nhiều cán bộ thuộc Sở Y tế Hà Nội bị bắt do nhận hối lộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChân dung đối tượng Nguyễn Văn Đức (Trưởng phòng) và Trần Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng phòng) tại CQCA. Ảnh: CATPHN |
Việc nhận hối lộ được thực hiện như thế nào?
Ngày 5/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội thông tin về việc đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với nhiều đối tượng là cán bộ của Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân thuộc Sở Y tế Hà Nội do nhận hối lộ của 760 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám, với tổng số tiền lên tới 11 tỷ đồng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số cơ sở hành nghề y dược tư nhân thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề nhưng vẫn được cấp hoặc gia hạn Giấy chứng nhận đạt thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc, Giấy đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để hoạt động.
Qua điều tra và xác minh, Cơ quan điều tra xác định: 4 cán bộ thuộc phòng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội là: Nguyễn Văn Đức (Trưởng Phòng), Trần Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng phòng), Nguyễn Thị Huy (chuyên viên) và Đỗ Đình Long (cán bộ) đã nhận hối lộ của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề để làm các thủ tục cấp giấy phép không đúng quy định với chi phí cấp mới, cấp lại từ 15 triệu đồng đến 60 triệu đồng/một Giấy chứng nhận hoặc Giấy phép hoạt động.
Việc nhận hối lộ được thực hiện thông qua các đối tượng môi giới là Bùi Lan Anh (địa chỉ tại khu đô thị Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Thị Bích (địa chỉ tại khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và Đỗ Doãn Tiến (địa chỉ tại 16/92 ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội).
Từ năm 2018 đến nay, các đối tượng đã nhận tiền của 760 cơ sở kinh doanh dược, phòng khám, với tổng số tiền là 11 tỷ đồng. Trong đó, Bích được hưởng lợi 800 triệu đồng; Lan Anh được hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng; số tiền còn lại được đưa hối lộ cho các cán bộ thuộc Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội để cấp giấy phép sai quy định.
Chân dung các đối tượng: Đỗ Doãn Tiến, Đỗ Đình Long, Nguyễn Thị Huy, Bùi Lan Anh và Nguyễn Thị Bích. Ảnh: CATPHN |
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 10/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án và tiến hành khởi tố bị can, tạm giam đối với 7 đối tượng, gồm: Nguyễn Văn Đức, Trần Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Huy, Đỗ Đình Long, Đỗ Doãn Tiến về hành vi nhận hối lộ và Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích về hành vi môi giới hối lộ, nhận hối lộ.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đang khẩn trương tiếp tục mở rộng điều tra vụ án làm rõ toàn bộ sai phạm trong hoạt động cấp giấy phép sai quy định của Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.
Hành vi nhận hối lộ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, người phạm tội "Đưa hối lộ” sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo tính chất, hậu quả của vụ việc.
Tội “Đưa hối lộ” hoàn thành khi người đưa hối lộ thực hiện hành vi đưa lợi ích vật chất, phi vật chất và kèm theo yêu cầu đối với người có chức vụ quyền hạn. Trường hợp, đối tượng chủ động đưa hối lộ để đạt được mục đích thì người đó có thể sẽ bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ” được quy định tại Điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ. Quy định nêu trên đã bảo vệ triệt để người tố giác tội phạm, khuyến khích mọi người dân tố giác hành vi tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ, góp phần vào việc đấu tranh, phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, nhận hối lộ.
Còn nếu hành vi đưa hối lộ được thực hiện qua người trung gian thì người trung gian sẽ bị xử lý hình sự về tội “Môi giới hối lộ” theo Điều 365, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là đến 15 năm tù.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi đưa hối lộ từ 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng có thể bị phạt tiền, phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù. Hành vi đưa hối lộ với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì người đưa hối lộ có thể phải chịu mức án tù theo quy định tại Điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt tù thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 20 năm tù. Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, hành vi nhận hối lộ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và niềm tin của người dân, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý Nhà nước.
Theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ có thể bị xử lý hình sự về tội “Nhận hối lộ”, cùng với đó là bị phạt tù từ 15 - 20 năm.
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng. Đồng thời, có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Quy định này cũng áp dụng cho người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại