Thứ ba 30/04/2024 04:11

Tin vui dành cho người có công với cách mạng và thân nhân tại Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những cụ già trong Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vui mừng trước thông tin được UBND TP Hà Nội hỗ trợ thêm gần 1,5 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2024.
Tin vui dành cho người có công với cách mạng và thân nhân tại Hà Nội

Cụ Nguyễn Thị Thảo (bên trái) đang được hưởng chế độ vợ liệt sĩ và được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Hải Yến

Trao “món quà sức khỏe”

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến của người dân vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của TP Hà Nội.

Nếu không có gì thay đổi thì kể từ ngày 1/7/2024 tới đây, người có công với cách mạng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được UBND TP Hà Nội chi mức hỗ trợ mới, tăng thêm 1.438.500 đồng/tháng.

Trước thông tin được thêm tiền hỗ trợ (dù chưa chính thức) nhưng các cụ già trong Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội đều bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của Đảng bộ và UBND TP Hà Nội.

Cụ Nguyễn Thị Thảo (86 tuổi, huyện Ứng Hòa) vào Trung tâm được 24 năm nay. Hiện cụ Nguyễn Thị Thảo đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công theo chế độ vợ của liệt sĩ với mức 3.699.000 đồng/tháng. Con gái cụ đã ngoài 60 tuổi nhưng đang bệnh và không tự sinh hoạt được.

Theo cụ Thảo, số tiền hỗ trợ đó vừa đủ để cụ chi tiêu cho sinh hoạt phí hằng ngày. Các chế độ khác như điều dưỡng, khám chữa bệnh, xông hơi… đều hoàn toàn miễn phí.

“Nếu được nhận thêm khoản hỗ trợ này, tôi có thêm ít tiền hàng tháng để có thể mua thêm đồ dùng cần thiết hoặc tôi có thể để dành tiền khi ốm đau, bệnh tật. Tôi rất vui trước sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước và UBND TP Hà Nội đến đời sống người có công như chúng tôi” - cụ Thảo chia sẻ.

Cùng chung niềm vui với cụ Thảo, cụ Nguyễn Thị Bức – cũng ở Trung tâm theo chế độ thân nhân của liệt sĩ. Cụ Bức cho biết: “Với nhiều người thì có thể đây là số tiền ít. Nhưng đối với tôi lại khác. Dù ở Trung tâm chúng tôi được chăm sóc tận tình, chu đáo, không phải dùng nhiều đến tiền. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ thêm thì đây là nguồn động viên tinh thần để tôi có thêm sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống”.

Sự phấn khởi của cụ Thảo hay cụ Bức cũng là cảm xúc chung của 37 cụ ông, cụ bà là những người có công với cách mạng đang sống và sinh hoạt tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.

Chính sách đặc thù trợ cấp người có công

Chị Lê Thị Trà Giang, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cho biết: “Nghị định số 55/2023/NĐ-CP quy định mức chuẩn trợ cấp làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Nghị định này cũng sửa đổi mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh loại B; mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng”.

Theo chị Trà Giang, các cụ tại Trung tâm đều rất vui mừng trước thông tin này. Các cụ đều là người có công hoặc là thân nhân của liệt sĩ. Tuy được Trung tâm chăm sóc chu đáo về vật chất, tinh thần nhưng nếu được nhận hỗ trợ thêm của UBND TP Hà Nội thì các cụ sẽ rất phấn khởi, chất lượng cuộc sống của các cụ sẽ ngày được nâng cao.

Tin vui dành cho người có công với cách mạng và thân nhân tại Hà Nội

Nếu nhận được thêm hỗ trợ trợ cấp, chất lượng cuộc sống của các cụ sẽ ngày càng được nâng cao. Ảnh: Hải Yến

Trước đó, tại dự thảo tờ trình, UBND TP Hà Nội cho biết, hiện TP đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với trên 800.000 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó có gần 80.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP thì mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng. Áp dụng mức chuẩn này, một số đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng còn thấp dưới mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của người trong hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND TP (mức 2.500.000 đồng/người/tháng).

Dự thảo tờ trình đưa ra 3 phương án về mức hỗ trợ đặc thù đối với người có công. Cụ thể:

- Phương án 1: hỗ trợ trợ cấp 0,5 lần mức chuẩn người có công (theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ mức chuẩn trợ cấp là 2.055.000 đồng). Như vậy, người có công và thân nhân hàng tháng sẽ được TP hỗ trợ 1.027.500 đồng/tháng.

- Phương án 2: hỗ trợ trợ cấp 0,7 lần mức chuẩn trợ cấp người có công. Như vậy, người có công và thân nhân hàng tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 1.438.500 đồng/tháng.

- Phương án 3: hỗ trợ trợ cấp 1 lần mức chuẩn người có công. Như vậy, người có công và thân nhân hàng tháng sẽ được TP hỗ trợ 2.055.000 đồng/tháng.

Qua rà soát danh sách người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP, đa số người có công với cách mạng và thân nhân chủ yếu hưởng hàng tháng từ nguồn trợ cấp ưu đãi, không có lương hưu. Đa phần người có công với cách mạng tuổi cao, sức khỏe yếu cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên.

Theo thực tế giải quyết chính sách ưu đãi người có công, số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng giảm do chết, tăng đều theo các năm. Trung bình mỗi năm giảm hàng nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Thế nên, việc tiến hành hỗ trợ kịp thời người có công nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn TP Hà Nội là cần thiết.

Đó cũng là một giải pháp đảm bảo về mặt an sinh xã hội và thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng, đồng thời phù hợp với các quy định pháp luật, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần đối với người có công trong những năm tháng cuối đời.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người có công Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người có công
Nữ điều dưỡng hàng ngày chăm sóc người có công Nữ điều dưỡng hàng ngày chăm sóc người có công
Mộc Miên - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động