Chủ nhật 28/04/2024 02:34

Nữ điều dưỡng hàng ngày chăm sóc người có công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Là nhân viên trong Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, nơi nuôi dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chị Nguyễn Thị Liên luôn tâm niệm phải coi các cụ như người thân, chăm sóc các cụ bằng cái tâm của mình mới gắn bó được với nghề.
Chị Liên chăm sóc người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.         Ảnh: Công Phương
Chị Liên chăm sóc người có công tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liên, SN 1992, Phòng Y tế - Điều dưỡng, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cho biết, Trung tâm từ ngày đầu đã tiếp nhận 116 người có công vào nuôi dưỡng nhưng trong quá trình nuôi dưỡng, do tuổi cao, sức khỏe yếu một số các cụ, các mẹ đã qua đời.

Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 40 người, trong đó, có 16 người phải phục vụ toàn phần, số còn lại chủ yếu là người cao tuổi và con liệt sĩ bị rối nhiễu tâm trí, thiểu năng trí tuệ, câm điếc….

Trung tâm bố trí sắp xếp từ 01-02 người /phòng để thuận tiện cho việc phục vụ và chăm sóc sức khỏe. Các phòng ở của người có công được trang cấp các thiết bị cá nhân đầy đủ như: tủ cá nhân có ban thờ liệt sĩ, bàn, ghế, giường, thiết bị máy điều hòa không khí, bình nước nóng, nhà tắm, nhà vệ sinh có đẩy đủ các vật dụng thiết yếu.

Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện việc thăm khám sức khoẻ hàng ngày, xoa bóp, bấm huyệt,… thể dục dưỡng sinh, lao động trị liệu, điều trị các bệnh thông thường tại đơn vị, tổ chức cho người có công được khám bệnh định kỳ 2 lần/năm.

Chị Liên cho biết thêm, chị bắt đầu vào làm việc tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội từ năm 2013. Thời điểm đầu, chị vào thực tập tại trung tâm nhưng công việc không giống như chị được học mà phải thực hiện nhiều công việc kết hợp.

Trong đó, vẫn thực hiện các công việc tiêm truyền nhưng chỉ khi các cụ ốm đau và thời gian thực hiện ít, còn lại là thời gian phục vụ các cụ như chăm sóc các cụ, dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện động viên các cụ cũng như cho các cụ ăn, uống thuốc,…

Chị Liên thông tin, thời điểm đầu tâm lý chị cũng bị lung lay khi công việc không thực hiện nhiều chuyên ngành được học. Chị từng suy nghĩ nếu làm ở ngoài thì chị sẽ làm ít thời gian hơn và có mức thu nhập tốt hơn. Trong khi vào trung tâm, thời gian đầu chị nhận mức lương hợp đồng khá ít ỏi và làm ít công việc chuyên môn mà phần lớn là công việc chăm sóc các cụ.

Đặc biệt, khi các cụ yếu, phải đi bệnh viện thì chính các chị là những người sẽ chia nhau đi bệnh viện chăm sóc toàn thời gian với các cụ cho đến khi các cụ được ra viện trở về. “Đã xác định vào đây làm việc, phải xác định, coi các cụ như ông bà, bố mẹ, người thân của mình thì mới gắn bó được với nghề này, còn nếu làm qua loa thì không thể gắn bó được”, chị Liên chia sẻ.

Theo chị Liên, trong quá trình chăm sóc các cụ cũng có những khó khăn như các cụ nằm một chỗ, không đi lại được nên nhân viên phải chăm sóc từng ly từng tý, nhiều cụ khó tính, đòi hỏi nhiều,… nhưng thời điểm các cụ khỏe, các cụ kể lại những câu chuyện về chiến tranh, những hy sinh mất mát mà các cụ phải trải qua khiến những người trẻ như chị Liên càng trân trọng và cảm thấy công việc của mình càng ý nghĩa hơn.

“Những câu chuyện thực tế các cụ kể, những mẩu chuyện vui, tiếng cười và hình ảnh các cụ vẫn mãi trong tâm trí chúng tôi. Biết ơn những sự hy sinh của người thân các cụ, chúng tôi càng trân trọng và chăm sóc các cụ như ông bà, bố mẹ mình”, chị Liên nhấn mạnh.

Chị Liên chia sẻ, ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng người có công còn thực hiện một công việc nữa là điều dưỡng người có công. Hàng năm, trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng người có công ở nhiều địa phương, đảm bảo khoảng hơn 3.000 người có công về ăn uống, sinh hoạt tại trung tâm.

Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người có công
Hà Nội tặng hơn 3.000 suất quà cho người có công dịp 2/9
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động