Thứ năm 21/11/2024 23:45

Tiếp tục hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp (CCN), mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển CCN trên địa bàn TP năm 2024… Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, triển khai thực hiện xây dựng cơ chế phát triển CCN.
Cụm Công nghiệp Phương Trung (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đầu tư cơ sở, hạ tầng đồng bộ đáp ứng tiêu chí xanh.  Ảnh: H. Nhung
CCN Phương Trung (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đầu tư cơ sở, hạ tầng đồng bộ đáp ứng tiêu chí xanh. Ảnh: H. Nhung

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 70 CCN đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, thu hút được hơn 3.800 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Tại huyện Phúc Thọ, Tam Hiệp và Liên Hiệp là 2 xã làng nghề, với hơn 1.000 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đồ mộc, may mặc, cơ khí…, tạo nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Theo UBND huyện Phúc Thọ, trên cơ sở nhu cầu, định hướng phát triển ngành công nghiệp của 2 xã, UBND huyện Phúc Thọ đã trình UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định thành lập CCN Tam Hiệp và CCN Liên Hiệp (giai đoạn 2), với tổng diện tích hơn 32 ha.

Sau gần 3 năm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và nỗ lực giải phóng mặt bằng, giữa tháng 1/2024, dự án đã được khởi công xây dựng. UBND huyện Phúc Thọ cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, nhất là việc rút ngắn các thủ tục hành chính để hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng, đưa CCN vào hoạt động trong thời gian sớm nhất và đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động tại cụm công nghiệp.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, UBND huyện Ðan Phượng đã khởi công xây dựng CCN Song Phượng, với quy mô gần 6,7 ha, kinh phí hơn 237 tỷ đồng. CCN nằm ở vị trí thuận lợi giao thương hàng hóa, kết nối và phát triển kinh tế với trung tâm Hà Nội, các quận, huyện.

Dự án được xây dựng theo hướng hiện đại, xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao để thu hút các doanh nghiệp ở xã Song Phượng và vùng lân cận vào thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, CCN Song Phượng sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho các làng nghề ở địa phương; thúc đẩy quá trình phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, xây dựng, chế biến thực phẩm, nông sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đã xây dựng mới 4 CCN tại huyện Ðông Anh gồm CCN Thiết Bình (xã Vân Hà), CCN Liên Hà 2 (xã Liên Hà), CCN Dục Tú (xã Dục Tú) và CCN Thụy Lâm (xã Thụy Lâm); nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thế mạnh của địa phương, như chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài... vào hoạt động.

Các CCN này đều được xây dựng theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao nhằm thu hút các hộ sản xuất trong khu dân cư vào CCN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; góp phần chuyên nghiệp hóa sản xuất làng nghề và tiểu thủ công nghiệp…

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những TP hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển CCN trên địa bàn TP năm 2024. TP Hà Nội sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, triển khai thực hiện xây dựng cơ chế phát triển CCN…

TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật các CCN đang hoạt động trên địa bàn và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 CCN còn lại nhằm hoàn thành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 CCN được thành lập giai đoạn 2018 – 2020. Hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 CCN. Thành lập và mở rộng 10-15 CCN.

Phấn đấu 100% CCN xây dựng mới và 100% CCN, CCN làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển CCN. Tổ chức quản lý, phát triển các CCN đã đi vào hoạt động; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đã có quyết định thành lập. Phát triển, thành lập CCN mới và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý hoạt động các CCN trên địa bàn TP…

Hà Nội phát triển các cụm công nghiệp "xanh" để thu hút đầu tư nước ngoài
Hà Nội: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển các cụm công nghiệp
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động