Thứ sáu 26/04/2024 04:27

Tiến độ các dự án phát triển nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội ra sao?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổng công suất nguồn cấp nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1.520.000m3/ngày/đêm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước cho người dân 12 quận nội thành và khoảng 78% người dân khu vực nông thôn.
Tiến độ các dự án phát triển nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội ra sao?
Nhiều nhà máy cung cấp nước sạch đang được TP Hà Nội đầu tư nâng cấp và xây mới. (Ảnh: Phạm Duy)

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước được ổn định, bền vững và lâu dài theo sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, TP Hà Nội đang triển khai nâng cấp và xây dựng các dự án phát triển hệ thống cấp nước.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1.520.000m3/ngày/đêm, bao gồm : Nguồn cấp từ các Nhà máy nước do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội quản lý với công suất khoảng 600.000m3/ngày/đêm (trong đó nguồn nước ngầm khoảng 450.000m3/ngày/đêm; nguồn nước mặt từ nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì 150.000m3/ngày/đêm, và nguồn nước dự phòng 150.000 m3/ngày/đêm); Nguồn cấp từ nhà máy nước mặt sông Đà công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày/đêm;

Nguồn cấp từ 03 trạm cấp nước (Hà Đông cơ sở 1, cơ sở 2 và trạm Dương Nội) do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 70.000 m3/ngày/đêm; Nguồn cấp từ 2 trạm cấp nước (Sơn Tây 1 và 2) do Công ty Cổ phần cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 28.000m3/ngày/đêm trên công suất thiết kế Nhà máy 30.000m3/ngày/đêm; Nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn I của Nhà máy với công suất thiết kế là 300.000m3/ngày/đêm (có thể nâng công suất lên 360.000m3/ngày/đêm); Các nguồn cấp nước cục bộ như: Trạm cấp nước Đồn Thủy 10.000m3/ngày/đêm; Nhà máy nước Ba Vì 15.000m3/ngày/đêm; Nhà máy nước Mê Linh 25.000m3/ngày/đêm…

Tổng công suất các nguồn cấp hiện nay hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân khu vực đô thị (12 quận nội thành) và khu vực nông thôn đã đầu tư hệ thống mạng cấp nước, đồng thời dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, và dần thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước được ổn định, bền vững và lâu dài theo sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, vài năm gần đây, một số nhà máy nước mặt quy mô lớn đã được thành lập theo Quy hoạch cấp nước Thủ Đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiến độ các dự án phát triển nguồn tập trung cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội

Theo quyết định điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ bổ sung một số nhà máy nước mặt bao gồm các nhà máy: Bắc Thăng Long, Ba Vì, Xuân Mai, Hà Nam và nhà máy nội bộ khu vực Phúc Thọ, Minh Quang, Minh Châu, Tiến Thịnh...

Chỉ tiêu đề ra là đến năm 2030 toàn bộ người dân thủ đô được dùng nước sạch theo quy chuẩn. Trong đó, dân cư đô thị trung tâm được sử dụng 130-170 lít/người/ngày; dân cư đô thị vệ tinh dùng 125-130 lít/người/ngày; dân cư nông thôn 110-115 lít/người/ngày.

Quyết định cũng nêu rõ, Điều chỉnh quy hoạch sử dụng nguồn nước cấp cho Thủ đô Hà Nội theo hướng ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm. Từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm, nguồn nước ngầm không khai thác sẽ chuyển thành nguồn nước dự phòng.

Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở định hướng Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được duyệt, hiện nay các nhà đầu tư đang triển khai 4 dự án cấp nguồn cho thành phố Hà Nội.

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy từ 300.000 lên 600.000m3/ngày/đêm, do Công ty Cổ phần nước đầu tư nước sạch sông Đà thực hiện gồm nâng công suất nhà máy và xây dựng tuyến truyền dẫn nước sạch số 2 dọc Đại lộ Thăng Long.

Hiện nay, Nhà đầu tư đang tổ chức triển khai thi công tuyến truyền dẫn số 2 và hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng nhà máy tại Hòa Bình, trong đó có phương án xây dựng đường ống kín đưa nước từ sông Đà về khu vực xử lý.

Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất giai đoạn 1 (300.000m3/ngày/đêm)

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng đã được UBND Thành phố giao cho Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng làm Chủ đầu tư triển khai thực hiện tại Quyết định số 5611/QĐ-UBND ngày 24-10-2015 với quy mô giai đoạn I đến năm 2020 công suất là 300.000m3/ngày/đêm chia làm 02 đợt: Đợt 1 từ 2015 đến 2018: Xây dựng, lắp đặt thiết bị đạt công suất cấp nước 150.000m3/ngày/đêm; lắp đặt tuyến ống truyền dẫn có đường kính từ DN400-1500 với chiều dài khoảng 28.100m; Đợt 2 từ 2018 đến 2020: Xây dựng, lắp đặt thêm 1 Modul công suất 150.000m3/ngày/đêm. Nâng công suất nhà máy lên 300.000m3/ngày/đêm.

Hiện nay, Nhà đầu tư đang triển khai thi công các hạng mục công trình trong khu xử lý, công trình thu trạm bơm cấp I, tuyến nước thô và tuyến truyền dẫn nước sạch, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tiến độ thực hiện dự án chậm so với Kế hoạch đề ra.

Dự án nâng công suất nhà máy nước Ba Vì sử dụng nguồn nước sạch sông Đà lên 60.000m3/ngày/đêm.

Dự án được UBND Thành phố giao Liên danh Công ty Cổ phần Ao vua và Công ty Cổ phần cấp thoát nước và môi trường Ba Vì triển khai thực hiện tại Quyết định số 2946/QĐ-UBND ngày 15-8-2018 để cấp nước cho huyện Ba Vì và bổ sung nguồn cấp cho thị xã Sơn Tây.

Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện phần xây dựng, lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động