Tiền đề sự ra đời và phát triển của nền lập hiến Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐổi mới hệ thống pháp luật
Từ cuộc đấu tranh giành độc lập thắng lợi, sự ra đời Hiến pháp năm 1946 khẳng định mạnh mẽ về mặt pháp lý chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tư tưởng lập hiến của Hiến pháp 1946 luôn được kế thừa và phát triển trong các bản Hiến pháp sau này. Đây cũng chính là văn bản pháp lý cao nhất khởi đầu cho việc đổi mới hệ thống chính trị pháp lý tiến bộ và hình thành một nhà nước độc lập, thực hiện quyền tự quyết của dân tộc độc lập quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật minh bạch, công minh và dân chủ.
Chỉ một ngày sau Lễ tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật bởi vì pháp luật là phương tiện, công cụ quan trọng để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội. Tháng 11-1945, Bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho Bản dự thảo với những nội dung mơ ước bao đời về độc lập, tự do.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu sự ra đời Hiến pháp năm 1946 |
Trong hoàn cảnh cách mạng nước ta “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, phải vượt qua bao khó khăn, thử thách, việc thông qua Hiến pháp càng có ý nghĩa quan trọng về thực tiễn và pháp lý. Đó còn là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước kiểu mới của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám thừa nhận Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tổ chức và hoạt động của Nhà nước thực hiện trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Trong Nhà nước đó, ý chí của Nhân dân và sự lựa chọn chính trị được xác lập một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất và được thể hiện trong Hiến pháp. Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật là của tất cả công dân, không loại trừ đối với bất cứ ai. Đây là một vấn đề quan trọng, cốt yếu không thể thiếu của nhà nước kiểu mới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Kế thừa và phát triển
Có thể thấy, Hiến pháp 1946 là dấu mốc lịch sử, là một chiến thắng pháp lý vang dội của nhà nước non trẻ; là kết tinh thành tựu của cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đó là nền tảng pháp lý xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân, xóa bỏ hệ thống pháp luật nô dịch, thực dân, phong kiến đầy ải, bóc lột đến tận xương tuỷ người dân, thúc đẩy sự hình thành hệ thống pháp luật mới, tiến bộ, công bằng, bình đẳng và văn minh.
Nhìn lại chặng đường 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công cùng với đổi mới hệ thống chính trị, pháp luật, bài học về công cuộc đấu tranh pháp lý chính trị của cuộc Cách mạng tháng 8-1945 vẫn giữ vẹn nguyên giá trị. Nhà nước ta tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, quyền làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy.
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu |
Hệ thống pháp luật ngày càng được đổi mới, bổ sung và tăng cường, chất lượng các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp được nâng cao; phương thức quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước sâu sát, thực tế hơn, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội. Các hoạt động của ngành Tư pháp, tòa án, VKS có nhiều tiến bộ… Việc đổi mới theo đúng định hướng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lành mạnh hóa các mặt văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định lâu dài của đất nước.
Để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, xây dựng Nhà nước kiểu mới – Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong điều kiện hiện nay, cần đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nhất là về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là “công bộc” của Nhân dân.
Tinh thần đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết của hiến pháp 1946 làm cho hệ thống pháp luật dù còn chưa toàn diện nhưng được vận hành thông suốt, nghiêm minh. Trong thư gửi hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Các bạn là người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "Phụng công, thu pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại