Chủ nhật 16/06/2024 22:24

Thương hiệu và người nổi tiếng bị chỉ trích: sự trỗi dậy của văn hóa tẩy chay tại Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mạng xã hội và các nền tảng số đã tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của “văn hóa tẩy chay”, nơi một nhóm người “điểm mặt” hoặc kêu gọi tẩy chay người của công chúng, doanh nghiệp có tuyên bố xúc phạm hoặc hành động không phù hợp hay vô trách nhiệm.
Thương hiệu và người nổi tiếng bị chỉ trích: sự trỗi dậy của văn hóa tẩy chay tại Việt Nam

Bất cứ nhãn hàng hay người nổi tiếng nào cũng đều có nguy cơ đối mặt với văn hóa tẩy chay. Ảnh: Freepik

Theo báo cáo của Milieu Insight 2022, chỉ 31% người Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tin rằng những cá nhân bị tẩy chay có thể được tha thứ hoặc được phép xuất hiện trước công chúng. Phân biệt chủng tộc, tấn công tình dục và bạo lực thể xác là những vấn đề nhạy cảm khiến họ rút lại sự ủng hộ.

Tiến sĩ Alrence Halibas - giảng viên cấp cao ngành Digital Marketing của RMIT, cho biết: “Thông thường, mục tiêu của việc tẩy chay là kêu gọi sửa sai hoặc bôi nhọ công khai”.

Bà chia sẻ thêm, bản chất liên kết của mạng xã hội khiến những cá nhân có cùng suy nghĩ có cảm giác cộng đồng và gắn kết, kéo theo hành động tập thể và lan rộng trên quy mô lớn, đồng thời cho phép người dùng bày tỏ ý kiến và sự bất bình theo thời gian thực.

Giảng viên ngành Digital Marketing đến từ Đại học RMIT, Tiến sĩ Anushka Siriwardana giải thích rằng người nổi tiếng thường đóng vai trò là nhân vật có sức ảnh hưởng trong xã hội, tận dụng nền tảng mạng xã hội của họ để quảng bá cho sản phẩm và thương hiệu. Tuy nhiên, dưới sự giám sát chặt chẽ ngày càng tăng của công chúng, họ khó tránh khỏi bị chỉ trích trực tuyến.

“Một dòng trạng thái hoặc bài đăng từ thương hiệu hoặc người nổi tiếng có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý, làm dấy lên cuộc tranh luận rộng rãi trong cộng đồng và ảnh hưởng dư luận”.

Bà nói: “Hashtag và các chiến dịch trực tuyến đóng vai trò là điểm hội họp của người dùng mạng xã hội, cho phép họ quy tụ nguồn lực và gây áp lực lên các công ty và người nổi tiếng”.

Tiến sĩ Umair Akram - giảng viên cấp cao ngành Digital Marketing tại RMIT Việt Nam, cho biết, đặc tính ẩn danh hay lấy tên giả có thể khiến người dùng mạnh miệng tẩy chay mà không cần quan tâm đến hậu quả hay sợ bị phán xét.

Tuy nhiên, bản chất ẩn danh của văn hóa tẩy chay đặt ra những thách thức đối với việc quy trách nhiệm và quy trình pháp lý, khiến người dùng mạng xã hội “tung hoành” đưa ra các bình luận nguy hiểm.

Tiến sĩ Akram cho biết: “Hành vi của họ có thể gây tổn hại đến danh tiếng hoặc hình ảnh thương hiệu, làm mất khách hàng và gây ra hậu quả tài chính cho doanh nghiệp”.

Mặc dù văn hóa tẩy chay có thể không phổ biến ở Việt Nam như tại một số quốc gia khác, nhưng ngày càng có nhiều phản ứng dữ dội và chỉ trích trực tuyến nhắm vào những người nổi tiếng. Cách đây không lâu, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi vấp phải sự chỉ trích của cư dân mạng sau khi có những phát ngôn hạ thấp bạn trai và những người cùng trang lứa. Phản ứng từ dư luận dẫn đến làn sóng lên án rộng rãi và kêu gọi nàng hậu phải lưu tâm hơn đến những phát ngôn của mình. Những thiếu sót trong hành xử cũng khiến nhãn hàng tài trợ “rút lui”, dừng hợp tác với cô.

Ở Việt Nam, một số vấn đề nhất định sẽ đặc biệt nhạy cảm hơn. Ví dụ, gần đây Snapchat vấp phải sự phản đối và bị kêu gọi tẩy chay trong cộng đồng và người dùng mạng xã hội ở Việt Nam do nền tảng này đã đưa đường lưỡi bò gây tranh cãi vào bản đồ của mình. Vấn đề tương tự đã khiến phim Barbie bị cấm chiếu tại Việt Nam và đêm nhạc của Blackpink suýt bị hủy.

Thương hiệu và người nổi tiếng bị chỉ trích: sự trỗi dậy của văn hóa tẩy chay tại Việt Nam

Mạng xã hội và các nền tảng số tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của văn hóa tẩy chay. Ảnh: Freepik

Sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế thuộc Đại học RMIT Việt Nam, Trần Vệ Giang cũng từng chứng kiến việc người hâm mộ trong nước chỉ trích và tẩy chay nhiều người nổi tiếng vì những hành vi không phù hợp cũng như sai lầm về văn hóa. Tuy nhiên, bạn chọn “không đổ thêm dầu vào lửa” vì tin rằng chúng ta nên tạo điều kiện cho trưởng thành và cải thiện mà không cần phải công khai bôi nhọ bất kỳ ai.

“Văn hóa này còn có thể tạo ra những thay đổi tích cực, khiến người nổi tiếng phải suy ngẫm về hành vi của mình. Không phải lỗi sai nào cũng tẩy chay. Nỗ lực thực sự để giải quyết vấn đề và rút kinh nghiệm từ sai lầm cần được ghi nhận và khuyến khích” - cô sinh viên năm ba RMIT chia sẻ.

Tiến sĩ Akram tin rằng thương hiệu và người nổi tiếng nên chủ động hành động để giảm thiểu rủi ro và hậu quả. Họ có thể giải quyết tranh cãi hoặc sai lầm một cách cởi mở và cho thấy cam kết chịu trách nhiệm và cải thiện vấn đề. Điều này sẽ giúp tạo dựng niềm tin và uy tín với khán giả, giảm khả năng bị tẩy chay.

Ngoài ra, “thương hiệu và người nổi tiếng nên xem phản hồi là cơ hội để học hỏi và phát triển, điều chỉnh chiến lược phù hợp để đáp ứng kỳ vọng ngày một lớn hơn” -Tiến sĩ Akram cho biết.

Tiến sĩ Halibas nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc luôn cập nhật xu hướng hành vi ứng xử đang hình thành, vấn đề văn hóa nhạy cảm và các chuẩn mực xã hội đang nổi có thể ảnh hưởng đến quan điểm và hành động của mọi người, đối với doanh nghiệp và người nổi tiếng. Tương tự, họ phải thực hiện trách nhiệm xã hội và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức.

Tiến sĩ Siriwardana kết luận: “Điều hết sức quan trọng là thương hiệu phải phát triển một kế hoạch xử lý khủng hoảng vững chắc trong trường hợp dư luận phản ứng gay gắt hoặc tiêu cực, bao gồm việc lập kế hoạch chủ động đối phó, truyền thông hiệu quả và khả năng ứng phó chiến lược”.

Câu hỏi đọng lại là liệu văn hóa tẩy chay ở Việt Nam có khiến thương hiệu và người nổi tiếng đứng ra chịu trách nhiệm một cách hiệu quả, thúc đẩy thay đổi và phát triển tích cực hay không? Hay văn hóa mạng Việt Nam đang trở nên độc hại hơn?!

Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động