Thứ sáu 03/05/2024 07:10

Thực hư thông tin "chống sốt" bằng uống hạ sốt 1 giờ sau tiêm vắc-xin Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong số các “cẩm nang” an toàn sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội có “mẹo” uống thuốc hạ sốt sau khi tiêm 1 giờ. Theo chuyên gia, cách này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa vì thân nhiệt bị hạ.

Song song với chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mà Chính phủ, ngành y tế đang nỗ lực triển khai để tăng độ bao phủ tiêm phòng trong cộng đồng thì ở trên mạng xã hội, các tài khoản cũng “tích cực” hoạt động bằng cách chia sẻ nhiều “kinh nghiệm” chưa được kiểm chứng, phản khoa học về cách đảm bảo an toàn sau tiêm.

Trong vô số các “kinh nghiệm” được đính kèm, đáng chú ý là việc “Sau tiêm 1 tiếng uống hạ sốt (trước khi có triệu chứng), nhắc lại 1 lần sau 6 tiếng nếu vẫn có dấu hiệu sốt (hầm hầm người). Nếu trong 1-2 ngày đầu vẫn có triệu chứng sốt thì uống hạ sốt cách nhau 6-7 giờ”.

Về thông tin này, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Sau tiêm cơ thể sốt thì mới uống thuốc, không sốt thì không nên dùng. Nếu sốt trên 39 độ C thì uống hạ sốt, sốt 38 độ C không phải uống. Người sốt dưới 38 độ không phải uống thuốc hạ sốt vì sốt như vậy không ảnh hưởng đến chuyển hóa, không ảnh hưởng đến cơ thể.

“Tiêm vắc-xin còn có người không sốt, việc uống thuốc hạ sốt trước tiêm rất nguy hiểm, cũng như người không cao huyết áp mà uống thuốc hạ huyết áp sẽ khiến hạ thân nhiệt. Nếu không sốt mà uống hạ sốt, uống nhiều có thể gây nguy hiểm làm hạ thân nhiệt. Nhiệt độ cơ thể người là 37 độ mà hạ thấp dưới 37 độ thì dẫn đến rối loạn chuyển hóa”, TS. Trần Đắc Phu cảnh báo.

Thực hư thông tin "chống sốt" bằng uống hạ sốt 1 giờ sau tiêm vắc-xin Covid-19
"Kinh nghiệm" uống thuốc hạ sốt 1 giờ sau tiêm vắc-xin Covid-19 rất nguy hiểm cho cơ thể

Ngoài ra, theo TS. Trần Đắc Phu, khi cơ thể không sốt mà dùng thuốc hạ sốt thì dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc. Thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu do ngộ độc thuốc paracetamol. Thời gian qua cũng có tình trạng người dân chia sẻ “bài thuốc” chữa Covid-19 trong đó có paracetamol. Điều này rất nguy hiểm vì Covid chưa chữa được mà đã bị ngộ độc paracetamol.

Liên quan đến vấn đề ngộ độc paracetamol, vào giữa tháng 7 vừa qua, TS-BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc-BV Bạch Mai đã cảnh báo việc xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh Covid-19 tại nhà với liều paracetamol khuyên dùng là liều tối đa, rất dễ có nguy cơ quá liều và gây ngộ độc.

Dẫn chứng về tình trạng ngộ độc paracetamol, TS. Nguyễn Trung Nguyên đưa ra 2 trường hợp: đó là bệnh nhân đang dùng thuốc chữa động kinh, khi dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày đã dẫn tới viêm gan. Bệnh nhân khác tự dùng paracetamol quá liều để hạ sốt dẫn tới ngộ độc, viêm gan, hôn mê gan (sau đó tử vong).

Để sử dụng paracetamol an toàn khi giảm đau, hạ sốt, BS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo:Với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn.

Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gày yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).

Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước,….Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Lời khuyên để đảm bảo sức khỏe khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mà TS. Trần Đắc Phu đưa ra là: Người đi tiêm theo dõi sức khỏe theo khuyến cáo, nếu có vấn đề gì gọi y tế. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống sinh hoạt đảm bảo đầy đủ chất, không phải kiêng thực phẩm gì; tinh thần thoải mái, không căng thẳng.

“Nhiều người đi tiêm căng thẳng đến nơi huyết áp cao lên không tiêm được. Vì thế mọi người chỉ cần thoái mái tinh thần, phòng dịch 5K tốt. Không cần uống gì trước tiêm. Sau tiêm về nhà ăn uống uống đủ chất; uống đủ nước; ăn/uống nhiều hoa quả, nước cam, chanh… Trong mấy ngày đầu không nên vận động mạnh; kiêng rượu, bia, chất kích thích”, TS. Trần Đắc Phu nói.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động