Thừa phát lại là ai?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHỏi: Xin quý báo cho biết, Thừa phát lại là ai? Vì sao lại đặt tên Thừa phát lại? Thừa phát lại được và không được thực hiện những công việc gì?
(Nguyễn Văn Phúc, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Theo Điều 2a Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 của Chính phủ, Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của pháp luật.
Tên gọi “Thừa phát lại” là một thuật ngữ có gốc Hán – Việt và có tính lịch sử, nó được tồn tại ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1975. Tên “Thừa phát lại” đã đi vào tiềm thức của người dân phía Nam. Nghĩa của nó chỉ một người công lại (một người không phải nhân viên Nhà nước nhưng lại mang trong mình quyền lực Nhà nước vì người đó được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm). Trong vốn từ ngữ Việt Nam hiện nay, cũng có người đề xuất có tên khác như: thừa hành viên, ở các tỉnh phía Bắc cũng có thời kỳ có các nhân vật “mõ tòa”. Nhưng xét về tổng thể, thừa phát lại không chỉ là thừa hành viên, thừa phát lại cũng không chỉ là mõ tòa.
Tại Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ thì Thừa phát lại được thực hiện những công việc sau đây:
Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự;
Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự;
Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Vậy, Thừa phát lại không được làm những việc gì? Điều 6 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ thì Thừa phát lại không được làm những công việc sau:
Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép;
Không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng;
Không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì;
Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ quy định, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại