Thứ sáu 29/03/2024 12:37

Thừa phát lại Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hội Thừa phát lại TP Hà Nội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động Thừa phát lại Thủ đô... góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Khẳng định vai trò, vị trí

Được biết, Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2-2014 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 05 văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP là các văn phòng: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hà Nội (quận Thanh Xuân).

Tháng 10-2014, UBND TP tiếp tục quyết định cho phép thành lập thêm 03 văn phòng Thừa phát lại nữa, là các Văn phòng: Nam Từ Liêm, Thủ Đô (quận Cầu Giấy), Đông Dương (quận Đống Đa). Đến thời điểm này đã có 08 văn phòng, với 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội (trong số hơn 150 người đã được bổ nhiệm).

Đội ngũ Văn phòng TPL Hà Nội xuất thân từ các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn vững vàng
Đội ngũ Văn phòng TPL Hà Nội xuất thân từ các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn vững vàng

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Đảng và Chính phủ, hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai thực hiện và đã có được những kết quả tích cực.

Các văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan tư pháp thực hiện một số công việc như tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án…

Tháng 3-2021, Hội Thừa phát lại TP Hà Nội chính thức được thành lập. Ban chấp hành Hội đã họp phiên đầu tiên, bầu Ban lãnh đạo Hội nhiệm kỳ 2021-2026 (5 người) và nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng VP Thừa phát lại Ba Đình là Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại hội giao cho Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ 2021-2026 căn cứ Nghị quyết Đại hội, tiếp thu các ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu để bổ sung vào Dự thảo Điều lệ Hội Thừa phát lại Hà Nội, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội và Điều lệ Hội.

Đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Hội Thừa phát lại. Cùng với sự phát triển của Thừa phát lại, nhu cầu có một môi trường hoạt động chuyên nghiệp cho những người hành nghề Thừa phát lại là tất yếu. Từ đó, việc cho phép thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người hành nghề Thừa phát lại là một nhu cầu thiết yếu không chỉ của các tổ chức Thừa phát lại chuyên nghiệp và những người hành nghề Thừa phát lại, mà cả của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực Thừa phát lại.

Trên cơ sở các quy định về lập Hội, trước đó, đại diện 8 văn phòng Thừa phát lại, thay mặt cho 75 Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội đã họp, thống nhất việc cần thiết thành lập Hội Thừa phát lại TP Hà Nội. Hội nghị đã cử 10 người tham gia Ban vận động thành lập Hội Thừa phát lại TP Hà Nội, được GĐ Sở Tư pháp Hà Nội ra Quyết định công nhận.

Theo báo cáo về lĩnh vực tư pháp của UBND TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2021, TP đã bổ nhiệm Thừa phát lại đối với 08 trường hợp, cấp 01 thẻ thừa phát lại; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho 19 lượt văn phòng Thừa phát lại; Hướng dẫn và tiếp nhận 3.129 vi bằng theo quy định.

Hội Thừa phát lại TP Hà Nội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các Thừa phát lại đang hành nghề tại văn phòng Thừa phát lại có trụ sở trên địa bàn TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Thừa phát lại là Hội viên của Hội; duy trì sự ổn định, đoàn kết, phát triển hoạt động Thừa phát lại tại TP Hà Nội chống việc cạnh tranh không lành mạnh; Xây dựng các giá trị chuẩn mực của Thừa phát lại Thủ đô, phát triển đội ngũ Thừa phát lại có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu phát triển KT-XH của Hà Nội, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động