Thứ hai 25/11/2024 18:47

Thư viết cho con, Hà Nội – Mùa dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chưa một lần dừng lại, giữa những lo âu mùa dịch những chuyến xe 0 đồng vẫn hàng ngày tìm cách để giúp đỡ và hỗ trợ những bệnh nhân nghèo được ấm áp về quê. Những chuyên đi không chỉ là để chia sẻ những khó khăn, mà nó còn là hành trang, là câu chuyện để nhắn nhủ, để dạy con trẻ biết cảm thông, biết yêu thương và đồng cảm...

Với những thành viên trong nhóm Những chuyến xe yêu thương, mỗi chuyến chuyên chở bệnh nhân hoàn toàn miễn phí trên chiếc xe cá nhân của mình là một câu chuyện, một cảm xúc khác nhau. Hành trình có thể không dài, có thể chỉ đủ điều kiện để đưa bệnh nhân ra đến bên rìa thành phố, thế nhưng những câu chuyện tiếp nối chia sẻ yêu thương lại không ngắn.

Thư viết cho con, Hà Nội – Mùa dịch
"Sau này, dù cho có thế nào thì cũng hãy làm gì đi, cho Hà Nội của chúng mình..."

Và với anh Q.S.C (Đống Đa, Hà Nội) những chuyến xe ấy lại là câu chuyện để anh tâm tình, gửi gắm điều muốn nói tới cô con gái nhỏ của mình… Anh viết:

“Hà Nội - Mùa dịch!

Thành phố đang bước vào những tháng ngày hè oi bức cuối cùng, mùa dịch bệnh đang hồi gay gắt theo tiếng còi hụ mỗi chuyến xe vun vút trên đường. Trưa về ăn cơm, mọi thứ sửa soạn sẵn - ấy vậy mà bố lại vô duyên đến thế, phá mất những giây phút nho nhỏ đợi chờ.

Mùa dịch tưởng nhàn nhã, ai ngờ vẫn có việc để làm, để quan tâm đến thế. Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch: biết bao mảnh đời, cảnh ngộ. Và cũng biết bao tấm lòng, sự bao dung, sẻ chia và tâm sự về cuộc đời, sự sống và nỗi niềm những lúc gian truân. Ôi quê hương, tiếng kèn Sắc-xô-phôn gọi mời tha thiết, xeo xéo những dở dang cảnh đời F0 – F1. Đáng lẽ, 30/7 bố đã lên đường, đã dẫn đội vào Sài Gòn. Nhưng cũng có lẽ, duyên chưa đến và một chút sự bản lĩnh, tỉnh táo lỳ lợm đã giúp bố cân bằng ở thời điểm quyết định để ở lại – để lo toan nhiều hơn. Thành phố của mình, Hà Nội của mình – mình phải biết yêu, biết giữ, biết vì nó – phải không con!

Mỗi buổi sáng dậy sớm, giờ thêm công việc mới của những chuyến xe yêu thương/ chuyến xe 0 đồng, những công việc tình nguyện và những người bạn mới. Chỉ biết nick nhau và trao đổi công việc qua zalo, cùng lặng lẽ làm và góp công, góp sức, tranh nhau nhận phần“thiệt”. Hà Nội mình lạ thế!

Câu chuyện của bố trưa nay, kể về chút rắc rối chờ đợi ở chốt Pháp Vân và một gia đình Nam Hà khác lại chờ ở chốt Cầu Giẽ. Giọng người phụ nữ lo lắng:

- “Biết làm sao giờ anh ơi? Anh ơi, anh cố đợi em nhé, để em xoay xở xin đi nhờ xe tải lên…” – PCR thì test rồi, giấy tờ hợp lệ rồi nhưng taxi bỏ ngang vì sợ lên Hà Nội về phải cách ly, cũng mất miếng cơm mùa dịch.”

Và rằng trong câu chuyện anh nói rằng, cho dù thế nào thì ở bất cứ nơi đâu, những câu chuyện, những hành động nho nhỏ nhưng thấm đẫm tính nhân văn, đẫm tình người vẫn xuất hiện. Trong câu chuyện của anh, những chiến sỹ cảnh sát dù nghiêm khắc nhưng vẫn luôn rung động trước những kiếp người…

Lắng đọng hơn cả, là câu chuyện của bà mẹ trẻ.

“Đi viện mùa dịch bệnh này vất vả quá anh ơi… Cháu 12 tuổi, điều trị Hemo, 6-7 năm rồi; tuần ít nhất đi viện một lần. Trước khoa học công nghệ kém, y tế chưa hiện đại, nhiều loại thuốc lắm, có loại thì tuần tiêm 2 ống, có loại thuốc 5triệu / ống. Nhà em cũng chỉ biết cố gắng đến cùng vì con thôi – chưa bao giờ dám để qua đêm khi cháu kêu đau bởi chỉ cần không có thuốc hoặc không kịp thì sẽ dẫn đến hoại tử chân, tay…. Các mẹ trên viện theo con lâu năm, giờ hiểu biết như bác sỹ, thực tập được như y tá ý anh ạ. Mà hơn 6000 đứa trẻ của Viện, các bác sỹ - y tá – hộ lý biết mặt gọi tên từng đứa chính xác luôn – bởi ngày nào, tuần nào chả gặp hả anh.

- Thế còn em, cháu hơn 2 tuổi mà đã thâm niên điều trị ở Viện hơn 1 năm rồi á? khoa H6 cơ à. Trời ơi, tiền thuốc men nhiều lắm, nhiều nhà không kham nổi, theo nổi đâu, nhìn con mà chảy nước mắt!

Cả hai người phụ nữ đều gầy gò, bé nhỏ - nhưng sao bền bỉ và lỳ lợm đến vậy hả trời. Đáp lại có lẽ là sự vô duyên nhất trên đời của tay lái xe khi chỉ biết ghìm chặt vô lăng, luôn miệng một câu :

- Cố gắng lên, cố gắng nhé – con sẽ khỏi bệnh thôi em…

- Anh ơi, nhà chẳng có gì, có tý bánh đa nem Lang Chêu quê em, tự nhà làm, anh nhận một ít cho em vui nhé. Anh nhận đi cho bọn em vui, mùa dịch được như thế này là tốt lắm rồi anh ạ… Anh yên tâm, em có mang nhiều vì còn quà cho mọi người trong Viện rồi, có cả một group cộng đồng giúp nhau trong Viện cơ anh ơi – toàn người cùng cảnh…”

Hình như ai đó đã viết trong một áng văn về Hà Nội :

"Hà Nội đẹp nhất những lúc đau khổ này, em có thấy không?

….Cái giá trị của con người đang được định lại hết, em ạ. Rồi đây, ai là người thiết tha với Thủ đô, ai là người chỉ có cái vỏ Thủ đô, sẽ rõ cả. Nhưng đấy là chuyện khác. Còn chúng ta thì công việc đã rõ ràng rồi. Chúng ta ở lại. Giờ quyết liệt đã đến. Chúng ta sắp đi vào một con đường mà sống chết chỉ là một. Không biết em nghĩ thế nào, chứ riêng tôi, tôi không băn khoăn rằng tôi sẽ sống hay chết trong cuộc chiến đấu này. Điều quan trọng là chúng mình có mặt. Sống, chúng ta sẽ được trông thấy Thủ đô ngàn năm không còn bóng giặc. Chết, chúng ta sẽ có cái tự hào của một thế hệ đã hi sinh lần cuối cùng cho tự do của Tổ quốc. Chúng ta là những người nô lệ cuối cùng đồng thời cũng là những người tự do đầu tiên. Tôi thấy rất rõ. Sống tức là có mặt ở những nơi cần đến chúng ta. Tôi đã nhiều lúc vắng mặt rồi. Rất buồn cho những kẻ đứng ngoài…..”

Con ơi nhớ nhé, sau này, dù cho có thế nào thì cũng hãy làm gì đi, cho Hà Nội của chúng mình, con nhé!”

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động