Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta lo phát triển nhưng phải lo vấn đề xã hội”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH là Bộ hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, của một Chính phủ phục vụ nhân dân từ người lao động đến người có công cho đến những người dễ bị tổn thương…
Vậy những hồ sơ tồn đọng chờ xác minh, những dịch vụ công hỗ trợ người yếu thế, khó khăn, cần được cung cấp thế nào cho hiệu quả… Đó là một dấu hỏi đặt ra để thể hiện sự nhân văn này.
“Tinh thần hành động của một bộ đặc thù như Bộ LĐTB&XH là nói và làm ngay, làm bằng được với tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao, giải quyết càng sớm càng tốt những bất cập liên quan đến chế độ chính sách, quyền lợi của người dân”, Thủ tướng nói
Theo Thủ tướng, công tác lao động – người có công và xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng, hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm. Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Giảm nghèo chưa bền vững. Một số vấn đề như bạo hành trẻ em, đuối nước ở trẻ em còn gây bức xúc xã hội.
Thủ tướng cho rằng, những tồn tại này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐTB&XH mà của hệ thống chúng ta, của Chính phủ. Tuy nhiên, trước hết, ngành LĐTB&XH phải nghiêm túc đánh giá, tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan, cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong năm tới.
Thủ tướng: “Tinh thần hành động của một bộ đặc thù như Bộ LĐTB&XH là nói và làm ngay, làm bằng được với tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao, giải quyết càng sớm càng tốt những bất cập liên quan đến chế độ chính sách, quyền lợi của người dân”, ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH triển khai quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Trong đó, chú trọng việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, cải cách chế độ bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương 7. Rà soát, chế độ chính sách an sinh xã hội trong từng lĩnh vực, để có sửa sửa đổi, bổ sung thay thế cho phù hợp với từng quá trình phát triển của đất nước. Đặc biệt thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người có công; hỗ trợ người dân thoát nghèo, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Về đón Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện…
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị về kết quả công tác năm 2017, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo) đều được ngành LĐ-TB&XH hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Các lĩnh vực của ngành được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2016, cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó lần đầu tiên đưa trên 130 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào thị trường có thu nhập cao (Đài Loan gần 70 nghìn người, Nhật Bản trên 54 nghìn người, Hàn Quốc trên 5 nghìn người...). An sinh xã hội được bảo đảm, giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại