e magazine
16:42 | 27/10/2024
Kỳ 2: đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

16:42 | 27/10/2024

Đã 10 năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết rời nơi chôn rau cắt rốn để cả gia đình thuê tạm bợ 1 căn phòng vẻn vẹn hơn chục m2 trên con phố nhỏ Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để sinh nhai. Hàng ngày, chị chở theo hai sọt ổi dọc các con phố Trần Thái Tông, Trung Hoà… để nhặt nhạnh từng chục nghìn góp phần cùng chồng nuôi con ăn học.
Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh
Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Trời nắng chói chang, khuôn mặt người phụ nữ chưa đến 50 tuổi gầy guộc, sạm đen vì nắng gió. Đôi mắt cũng sớm hằn lên những vết chân chim với ánh nhìn già nua, mệt mỏi.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1979, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) uể oải lấy chai nước nhẹ phun lên vài cân ổi được bày biện trên rổ, khẩn khoản mời khách mua lấy 1, 2kg để chị sớm về lo cơm nước.

“Trước ở nhà làm ruộng, nhưng rồi đất cát, đồng ruộng cũng thu hẹp lại bởi các dự án. Mà trồng lúa, trồng thóc quanh năm kiếm được bao nhiêu, có khi chỉ đủ gạo lo ba bữa cơm. Còn đâu các chi phí khác thì giật gấu, vá vai nên hai vợ chồng bảo nhau bỏ quê, lên Hà Nội kiếm kế…” - chị kể.

Nghề bán ổi âu cũng chẳng được bao nhiêu, mỗi kg ổi lãi vài nghìn lẻ mà phải bỏ công, bỏ sức. Lắm khi trời nắng, trời mưa ổi chẳng bán được có khi cả nhà ăn ổi… trừ cơm. Cái công sáng sớm đến chợ đầu mối lấy ổi, xong nặng nề chở về các con phố để bán lẻ cũng mệt lắm. Mới 45 tuổi, thế nhưng xương cốt chị cũng đã rã rời bởi những ngày gắng sức.

“Nhưng không có vốn, trình độ không có, sức khoẻ thì hạn chế, nếu không muốn bán ổi thì cũng không biết làm gì. Cũng có lúc muốn đổi nghề, ví dụ như đi làm giúp việc cho nhà người ta nhưng ngẫm lại hoàn cảnh nhà mình cũng không phù hợp với việc đó” - chị bảo. Bởi theo chị, chị còn có con cái, chồng chị cũng vất vả nhặt nhạnh nên chẳng còn thời gian để phụ giúp.

Hoàn cảnh nó thế, nên là việc muốn thay đổi để có một thu nhập, một công việc nhẹ nhàng hơn dần mai một. Để rồi 10 năm nay, cuộc sống của chị vẫn gắn liền với gánh ổi.

Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Chị cho biết, chồng chị cũng không nhàn hạ gì hơn chị. Anh làm nghề chạy xe ôm, lúc có dịch vụ xe ôm công nghệ thì cũng “đầu quân” cho họ. Cả ngày đầu tắt mặt tối, đi từ tờ mờ sáng đến nửa đêm thu nhập cũng không được nhiều. Cả tiền chị kiếm và thu nhập của anh để chi trả cho gia đình 4 người ở Hà Nội nếu không căn cơ chắc cũng có bữa đói.

“Nhà đi thuê, tiền điện nước tính giá dịch vụ. Hai đứa con thì đứa lớn học THPT, đứa nhỏ đang học lớp 7. Thu nhập của hai vợ chồng không cả đủ để nghĩ đến những việc xa hơn…” - chị buồn bã nói.

Về câu chuyện lúc già, chị thở dài nói, chị cũng ý thức về việc không có tích luỹ, lúc ấy sức khoẻ đã yếu, không biết sẽ phải xoay xở ra sao. “Người ta bảo bé cậy cha, già cậy con. Nhưng với nhà tôi cũng khó, con cái sống trong cảnh khó khăn từ bé, không biết lớn lên có đủ tự tin để khấm khá mà lo cho bố mẹ…”

Vẫn biết nếu cố đóng bảo hiểm xã hội thì ít nhất cũng có cái để mà trông cậy, nhưng theo chị “đến ăn còn không đủ, nói gì đến dành tiền ra đóng bảo hiểm xã hội”.

Chị cũng cho biết, các con chị do đi học nên có bảo hiểm y tế, chứ vợ chồng chị cũng có lúc nghĩ đến. Chị kể, có lần chồng chị đi làm rồi va chạm với người ta gãy chân. Vào bệnh viện phẫu thuật, nằm cả tuần vèo cái có khi hết cả năm tiền dành dụm. Chị nhớ, ngày ấy chị phải đôn đáo vay mượn nội ngoại mỗi chỗ một ít để có thể lo được cho anh. Sau đó, chị biết, việc có bảo hiểm y tế cũng sẽ đỡ cho chị rất nhiều.

“Thế nhưng rồi có đủ thứ phải lo, nên việc ấy coi như thứ yếu. Và mấy năm nay, vợ chồng chúng tôi đâu có… dám ốm. Hoặc nếu cảm sốt thì làm vài viên thuốc chứ không dám đến bệnh viện. Âu cũng là trời thương” - chị nói.

Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Giữa cái nắng hè oi ả, bà Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1946, quê Thanh Hoá) ôm chiếc giỏ đựng ít kẹo cao su, vài gói tăm, lẫn lộn trên giá treo là mấy chiếc bấm móng tay, vài chiếc cặp tóc cho phụ nữ... len lỏi ở quán bún đậu giữa con phố Hoàng Hoa Thám (Hà Đông, Hà Nội). Gặp ai bà cũng năn nỉ mua đỡ cho bà gói tăm hoặc gói kẹo. Mỏi quá, bà khép nép kéo ghế ngồi tạm ở bên cạnh chiếc bàn đang có mấy cô cậu ngồi chờ gọi món.

Có lẽ sáng nay ế ấm, đồ trong giỏ còn đầy. Bà thẫn thờ nhìn nắng rồi lúi húi đếm lại số đồ còn lại. Được mời một suất bún đậu, bà ngần ngại một lúc rồi e dè cám ơn rồi cắm cúi ăn. Có lẽ đã đỡ mệt, bà mới mở lòng chia sẻ.

Xã Nông Cống quê bà vốn là vùng quê nghèo, dân cư cũng không đông đúc. Người ở vùng quê chủ yếu sống bằng trồng lúa, hoa mầu. Đa phần người dân nơi này thoát ly, đi lên các Thành phố lớn để mưu sinh. Cũng có gia đình cố chạy vạy cho người nhà đi xuất khẩu lao động.

Nhà bà ở lọt thỏm giữa vùng quê nghèo ấy, có 1 đứa con gái. Bà dựng vợ gả chồng cho con gái, cuộc sống tưởng thế đã yên ổn, nhưng rồi ông bỏ bà đi sau 1 cơn bạo bệnh. Chồng của cô con gái cũng mất sau trận biển động. Con gái bà chuyển về sống với bà cùng 2 đứa con nhỏ.

Cuộc sống cơm cháo qua ngày không khấm khá, chị để con ở nhà cho mẹ già chăm rồi làm thủ tục đi sang Trung Quốc làm thuê, nhằm mong kiếm được chút ít tiền để mẹ con đỡ khổ. Nhưng đi chưa được bao lâu, bà nhận tin con gái bà đã gá nghĩa với 1 người đàn ông Trung Quốc. Thế là ở tuổi gần đất xa trời, bà lại lo thêm 2 đứa cháu.

Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Tuổi đã cao, không còn sức làm ruộng, mà 2 đứa cháu mặc dù tiền học được miễn, nhưng vẫn phải ăn để sống. Bất đắc dĩ, bà đành gửi cháu cho họ hàng để theo người ta lên Hà Nội bán rong, kiếm tiền ăn nuôi cháu.

Bà bảo, lên đây, bà cùng một số người đồng hương thuê 1 căn phòng trọ tại Thanh Xuân. Bởi ít tiền, bà chỉ có thể đóng 600 nghìn/tháng. Vậy nên, chỗ ăn, chỗ ngủ của bà là ở ban công căn phòng trọ khiêm tốn ấy. Bà nói cũng chẳng sao, chủ yếu là mưa có chỗ che, nắng có chỗ trú. Chứ cảnh nghèo khổ của bà đâu có mơ chăn êm nệm ấm.

“Đi bán hàng ở ngoài, có khi người ta thấy già nên thương, đến bữa người thì cho cái bánh mỳ, người gửi suất cơm. Ít nhiều tôi cũng nhận hết vì tiết kiệm được một hai chục nghìn để thêm tiền gửi về cho cháu” – bà nói.

Bà bảo, cuộc sống của bà nếu như không có các biến cố xảy ra, bà có khi chẳng bao giờ bước ra khỏi luỹ tre làng. Không chỉ riêng bà, hầu như những người bà quen biết đều không có bảo hiểm xã hội. Với những người như bà, bảo hiểm xã hội là một dịch vụ gì đó không thuộc về tầng lớp của bà. Nó chỉ dành cho những người đi làm ở xí nghiệp, cơ quan công sở.

“À, thế là đóng bảo hiểm về già có lương hưu à? Vậy cũng tốt, nhưng có ai nói với chúng tôi những điều ấy đâu. Chúng tôi nào có biết bảo hiểm xã hội là gì, ngoài mang máng hiểu một chút cái gì mà vào y tế không phải thanh toán…” – bà nói.

Tuy nhiên, hào hứng và luyến tiếc là vậy, bà vẫn ngẩn ngơ cho biết, thực ra nếu có biết sớm cũng chưa chắc bà đã có tiền mà đóng. “Cấy cầy trồng luá, hoa màu cũng chỉ đủ thóc gạo ăn, chứ làm gì có đồng nào dư dả để tích luỹ hay đóng cái gì gì ấy nữa…” – theo bà.

Và cuộc sống của bà bây giờ có lẽ chỉ mong còn sức để lang thang dọc các con phố kiếm tiền nuôi 2 cháu nhỏ. Gục xuống ngày nào thì phải chịu, chứ mong gì đến lúc được nghỉ ngơi mà hưởng hưu trí như người ta!

Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Cũng như hầu hết các lao động ở khu vực phi chính thức mà phóng viên đã tiếp xúc, phần lớn các lao động này không đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thậm chí với nhiều người, trong khái niệm của họ không có định nghĩa về bảo hiểm xã hội.

Khi được hỏi, đồng thời giải thích các chính sách an sinh mà bảo hiểm xã hội sẽ đem lại, hầu hết những người này đều tần ngần. Tuy nhiên, phần lớn họ đều cho biết, trong cuộc sống hiện tại, đến tiền ăn hàng ngày còn có lúc không có, nên việc dành tiền ra để đóng bảo hiểm là điều quá xa vời.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ (sinh năm 1994) trú tại xóm gầm cầu (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, vốn trước khi chưa mang thai bé thứ 2, chị làm những công việc như nhặt đồng nát, nhặt tôm ban đêm ở chợ Long Biên. Nhưng khi có thai do sức khoẻ suy yếu, chị nghỉ ở nhà. Mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào người chồng.

“Không có tiền nên không thuê riêng được chỗ ở. Tôi vẫn chen chúc ở đây với chị, với mẹ… Hai vợ chồng không có không gian riêng, nên chồng cứ về rồi lại đi” – chị Nguyễn Thị Thuỷ nói. Số tiền ít ỏi chồng chị kiếm được chỉ đủ cho mẹ con chị ăn, dành dụm xíu xíu để chửa đẻ. “Có tháng còn không đủ ăn, phải đi vay mượn khắp nơi. Nghe về bảo hiểm xã hội thì cũng ham, nhưng lấy tiền đâu ra mà đóng…” - chị Thuỷ nói.

Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Còn bà Vũ Thị Kim Xuyến (sinh năm 1963, đã từng có hộ khẩu tại Trại Găng, Thanh Nhàn) thì bộc bạch, bà vốn đau yếu triền miên nên ngày làm, ngày không. Mà “dừng tay là dừng mồm”. Cậu con trai do không có giấy tờ nên cũng không làm ở đâu được lâu. Nhiều khi bữa cơm chỉ có cơm trắng và nắm rau nhặt được ngoài chợ.

Cám cảnh vì sức khoẻ ngày một yếu, mùa đông thì xương khớp đau như rần, mùa hè thì ngộp không muốn thở, bà Vũ Thị Kim Xuyến bảo, không biết đến lúc bà nằm 1 chỗ thì sẽ ra sao.

“Có những lúc không muốn nghĩ tới. Cả đời tôi, trẻ thì lo cho con, giờ già rồi con cái không trông cậy được nên vẫn kiếm từng đồng chỉ mong đủ ăn…” bà than. Bà cũng cho biết, trước nay từ trẻ đến khi bà đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, chưa một lần bà nghe đến bảo hiểm xã hội. “Có khi có biết cũng không có tiền đóng” – bà Vũ Thị Kim Xuyến nói.

Kỳ 2: Đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh

Nội dung, ảnh: Ngọc Dung – Khánh Huy

Thiết kế: Khánh Huy

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên