e magazine
09:02 | 25/10/2024
Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

09:02 | 25/10/2024

Một tay ôm cậu con trai mới được hơn 1 tháng tuổi trong tay, tay kia xoa lưng cậu con trai lớn chưa đến 3 tuổi, chị Thuỷ cho biết, chị không hề “biết” đến Bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế. Ngay cả đến đứa con mới sinh chị cũng còn chưa được cấp giấy chứng sinh vì chưa có tiền trả… viện phí.

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

Một tay ôm cậu con trai mới được hơn 1 tháng tuổi trong tay, tay kia xoa lưng cậu con trai lớn chưa đến 3 tuổi, chị Thuỷ cho biết, chị không hề “biết” đến Bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế. Ngay cả đến đứa con mới sinh chị cũng còn chưa được cấp giấy chứng sinh vì chưa có tiền trả… viện phí.

MẸ KHÔNG GIẤY KHAI SINH - CON CŨNG CHỈ CÓ GIẤY CHỨNG SINH

Chị Nguyễn Thị Thuỷ (sinh năm 1994) trú tại xóm gầm cầu (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị vốn sinh ra ở trên một chiếc thuyền ở bến sông Hồng, dưới gầm cầu Long Biên. Mẹ chị sinh năm 1965, quê ở Bắc Giang, bà thoát ly năm 18 tuổi rồi run rủi gặp bố chị ở dưới bãi sông này. Chị bảo, chị không rõ bố mẹ lấy nhau năm bao nhiêu, nhưng ngay sau khi cưới, ông bà đã sinh liền 1 lúc 4 người con gái.

Sinh sống dưới thuyền mãi, cuộc sống cũng bấp bênh như con thuyền nơi bố mẹ cùng chị em chị trú ngụ. Chị cũng không nhớ cả nhà lên bờ, thuê cái phòng trọ này từ bao giờ. Nhưng chỉ biết, thoát khỏi cái lênh đênh trên thuyền, thì cả nhà lại “nhét” nhau vào cái phòng 15, 17m2 tối như hũ nút.

Cũng chẳng biết căn phòng nơi mấy mẹ con chị ở được gọi là gì cho chính xác, nhưng nó nhỏ bé, tạm bợ và sơ sài đến tội nghiệp. Mới buổi sáng, nhưng cả căn phòng vẫn leo lét, không ánh sáng bởi nếu có chỗ hở thì cũng bị che kín bởi những bộ quần áo lam lũ, những vật dụng không tên chứa đầy chỗ trống… Cả phòng ken kín bởi những tấm phản, những viên gạch xếp chồng để phòng lúc mưa to, sàn nhà ẩm ướt.

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

Chị Nguyễn Thị Thuỷ kể, chị không học hành nhiều, bởi lúc bố mẹ lấy nhau không đăng ký kết hôn. Ông bà chỉ “kéo” nhau về ở rồi sinh ra các chị em chị.

“Nhớ được năm sinh là đã tốt rồi. Chị em tôi sống qua ngày, học chữ, học đếm qua các lớp dạy học tình nghĩa. Năm 2011 tôi lấy chồng và cũng sinh con trong năm ấy” - chị Nguyễn Thị Thuỷ kể.

Chị cho biết, chồng chị quê ở Hưng Yên, làm công nhân hàn xì. “Do không có chứng minh thư hay căn cước công dân nên cũng không có đăng ký kết hôn. Vì thế mà đứa lớn sinh ra cũng chỉ có giấy chứng sinh” – lý giải việc mình không có chứng minh thư hay căn cước công dân, chị Nguyễn Thị Thuỷ nói:

“Mẹ tôi thoát ly từ rất lâu rồi, giờ về quê thì ông bà đã mất, anh chị em cũng không còn nữa. Giấy tờ ngày trước mẹ tôi cũng không còn giữ, vậy nên bà trở thành… tứ cố vô thân. Mẹ không có nguồn gốc, dĩ nhiên bọn trẻ chúng tôi cũng không có cơ sở để mà làm.”

Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận, việc về lại quê để lấy xác nhận của chính quyền địa phương để lên Hà Nội làm tạm trú, thường trú cũng vẫn có thể. “Nhưng vất vả, mất thời gian và tiền bạc. Ở tình trạng này, mẹ con chúng tôi không có điều kiện để hoàn thiện” - chị nói.

Và bởi không có giấy tờ, nên việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng là một chuyện xa vời. “Cũng vẫn biết có bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế sẽ đảm bảo an sinh không những cho tôi… Nhưng lực bất tòng tâm!”

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

Bởi theo chị, trước chị làm nghề nhặt tôm ở chợ Long Biên. Chị bảo, có ngày may mắn chị cũng nhặt được 1, 2 kg tôm. Thu nhập hàng tháng cũng được 2, 3 triệu đồng. Nhưng từ ngày chị có bầu đứa thứ 2, do sức khoẻ yếu nên chị nghỉ ở nhà. Hai mẹ con trông chờ cả vào lương tháng của chồng.

“Sinh đứa thứ 2, ban đầu đã tính sinh thường ở Bệnh viện Y học Cổ truyền cho rẻ, nhưng không ngờ trong quá trình sinh nở có trục trặc, phải chuyển viện. Cuối cùng vẫn phải chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sinh mổ. Do mắc bệnh mãn tính, cùng với khó sinh lại không có bảo hiểm y tế, nên chi phí sinh của tôi lên đến hơn 20 triệu. Hai vợ chồng không thể xoay xở đủ tiền ngay lúc ấy nên bệnh viện giải quyết linh động cho về trước, khi nào có tiền đến nộp thì sẽ trả bằng giấy chứng sinh” - chị Nguyễn Thị Thuỷ buồn bã.

Nhìn đứa con mới hơn 2 tuổi nhếch nhác bên mẹ, giải trí bằng những viên sỏi, hòn đất, chị chỉ mong bọn trẻ khá khẩm hơn chị. Thế nhưng cái khó bó cái khôn, khi cuộc sống còn bấp bênh, những kiếp người không giấy tờ chứng minh, không nơi thường trú như chị, tương lai của đứa trẻ cũng mập mờ không nhìn thấy lối thoát.

CẢ ĐỜI LAM LŨ KHÔNG BIẾT ĐẾN TIỀN DƯ THỪA

Vẫn còn mệt mỏi sau giấc ngủ ít ỏi, bà Phạm Thị Vĩnh (sinh năm 1965, quê Bắc Giang), mẹ chị Thuỷ thẫn thờ bảo: “Gần 60 tuổi đầu tôi cũng không hề biết đến bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế”. Bà cũng bảo, bà biết so với những người phụ nữ cùng tuổi, sức khoẻ của bà tệ hơn họ rất nhiều. “Cứ đêm đêm, lúc các xe chở hải sản chạy đến chợ, chờ người ta bốc hàng xuống, chia hết cho các tiểu thương thì chúng tôi mới bới móc, tìm những con cá, con tôm rơi rớt, gom lại rồi đem bán”

Lấy đêm làm ngày, bà thường chỉ ngủ lúc 4, 5h sáng, khi mà công việc nhặt nhạnh, bán chác đã xong. “Không có tích luỹ, không có bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, chúng tôi không cả dám… ốm. Đấy là chưa nói gì đến chuyện lúc cạn kiệt sức khoẻ thì không biết trông chờ, bấu víu vào đâu” – bà buồn bã bảo.

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

Có hộ khẩu tại Hà Nội, bà Vũ Thị Kim Xuyến (sinh năm 1963, đã từng có hộ khẩu tại Trại Găng, Thanh Nhàn) than thở, đến ăn còn ăn bữa nay lo bữa mai, tiền thuê nhà tháng có, tháng không, vậy thì lấy đâu ra mà đóng bảo hiểm xã hội.

Cả quãng đời bà, an nhàn chăng là thời còn con gái khi sống với bố mẹ. Những năm ấy khó khăn, bố mẹ và anh chị em mải sinh nhai, cũng chẳng ai quan tâm đến cô con gái lăn lóc kiếm việc ngoài bãi sông và lấy chồng cũng tại bến sông ấy.

Bà nhớ lại, năm 1984, bà gặp người đàn ông quê Hưng Yên, sinh sống trên chiếc thuyền ở bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên. Phải lòng nhau nên bà theo ông lên chiếc thuyền ấy, thế rồi 2 cậu con trai cũng theo nhau ra đời.

“Tôi thì có hộ khẩu, nhưng ông ý không giấy tờ tuỳ thân cũng như hộ khẩu hay tạm trú. Thế nên khi 2 đứa con sinh ra chúng cũng không có hộ khẩu cũng như chứng minh thư. Sinh sống với nhau 1 thời gian thì do không tìm được tiếng nói chung nên bà đã li dị ông, đưa hai con lên sống ở cái xóm tạm, cũng ở bãi sông này.

Thằng lớn sinh năm 91, đã lập gia đình đã ở chỗ khác. Còn thằng bé sinh năm 2002 đang ở với tôi. Do chỉ có giấy chứng sinh, không làm được giấy khai sinh, giấy tờ tuỳ thân không có nên cháu cũng chỉ trông chờ vào các lớp học tình thương. Giờ lang thang đi kiếm việc nhưng cũng không đều” – Hai mẹ con trông chờ vào tiền từng đêm bà nhặt nhạnh từng con tôm, con cá ở chợ Long Biên.

Tiền nhà, tiền điện, tiền nước vào khoảng 1,2 triệu. Nhưng đã cả tháng nay bà không còn kiếm được tiền để trả tiền nhà… “Vay mượn cũng không biết vay ai, ai cũng khổ như mình” – bà bảo.

SỢ NHẤT KHI PHẢI ĐẾN BỆNH VIỆN

Không nhớ đã sống bao nhiêu năm ở cái xóm Phao bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, Long Biên), với bà Đinh Thị Mai (sinh năm 1954) việc Thủ đô phát triển, hiện đại và văn minh đến đâu, thì cái xóm nghèo nơi bà đang ngụ cư vẫn thiếu thốn như bao nhiêu năm nay vẫn thế.

Loay hoay trong khu vực gọi là bếp trên căn nhà phao lênh đênh ở dưới lòng sông, bà Mai cho biết, bà vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ngày còn bé, bà sống với bố mẹ ở phố Bạch Mai, lớn lên bà phải lòng và lấy một người đàn ông ở tận Hưng Yên. Bỏ phố xá bà theo chồng về quê chồng sinh sống, cũng chẳng được bao lâu thì gia đình nhà chồng chuyển lên Lào Cai làm kinh tế.

Cuộc sống ở tỉnh cùng với những mưu sinh cũng không đến nỗi khó khăn với người con gái Hà thành, tuy nhiên, bà khổ tâm vì cái tính trăng hoa của chồng. Khuyên nhủ mãi chẳng được bà tay ẵm tay bồng mang con về với bố mẹ ở Hà Nội.

“Hồi ấy khó khăn, nhà cũng không còn chỗ để chứa mấy mẹ con. Tôi đành ôm con đi kiếm chỗ tá túc, bố tôi bảo để cháu lại để bố tôi nuôi, nhưng tôi nghĩ mình ở đâu thì con ở đó nên cứ vậy mà bồng con đi.” – bà Đinh Thị Mai kể.

Bà Đinh Thị Mai cho biết, ở xóm này cũng chỉ có người đến chứ không có người đi, cả xóm có khoảng 30 hộ với hàng trăm nhân khẩu, công việc chủ yếu là đi thu nhặt đồng nát. “Những ngày mưa gió, nồm ẩm tháng 2 này gần như chỉ ở nhà.”

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

Ở nhà có nghĩa là không có thu nhập, có nghĩa là lại chắt bóp, gom góp để đủ ăn, đủ sống. Cái nhà phao bà đang ở vẻn vẹn chưa đến 10m2 với khoang dành cho chỗ ngủ là rộng rãi nhất cũng chỉ vừa trải đủ tấm chiếu, còn đâu cứ tạm bợ để quây thành bếp, thành nhà tắm và chỗ phơi đồ. Mùa đông gió hun hút thổi nằm trong nhà mà không khác gì nằm ngoài trời, mùa hè thì nắng đổ lửa, chiếc quạt con không đủ đuổi cái nóng nên đành lên bờ trú ở những tán cây. Ngày sông êm, sóng lặng còn đỡ, những ngày mưa gió hay bão bùng thì cả xóm lại có những ngày không yên. Có những thời điểm bão to, cả xóm bỏ nhà lên bờ nhìn từng căn nhà bập bềnh chờ bão tan…

Điều lo lắng nhất của bà Đinh Thị Mai, đó là nếu không được học hành đến nơi đến chốn, cơ hội để thoát cái xóm nghèo này của những đứa trẻ con, cháu bà sẽ lại mờ mịt như bố, mẹ chúng. Hiện 2 cô gái út ở cùng bà đã có gia đình, con cái và đang ở trên hai cái nhà phao ở cạnh nơi bà sống.

“Hai đứa lấy chồng 1 anh ở Chèm (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm), một cậu ở Phú Thọ nhưng rồi cả hai chị em đều đưa chồng xuống dưới sông với mẹ.” – bà Mai kể. Cuộc sống của các con của bà cũng không khác bà là mấy, phụ nữ thì đi nhặt rác, gom phế thải, còn chồng thì cũng việc thời vụ đi phụ xây dựng, rẫy cỏ hay bất cứ việc gì có thể để kiếm tiền sinh nhai.

Bà bảo, bởi không hộ khẩu, cũng chẳng có mảnh đất cắm dùi lại không có tiền nên cả hai cô con gái con bà đều không được đi học. Khó khăn là thế nhưng không có hỗ trợ về y tế, bà cho biết năm trước bà có mua bảo hiểm y tế, số tiền đóng 1 năm là 850 nghìn. Tuy nhiên bà cũng chỉ mua được một năm, còn năm nay thì không nghĩ đến nữa. “Bệnh của mình có bảo hiểm y tế cũng không giải quyết được nhiều”.

Bà Mai than thở, mỗi khi trái gió trở trời là bà bị đau nhức hai cánh tay. “Nguồn cơn” cái cơn đau nó là do có lần bà đi làm ngoài phố và bị ngã gãy xương. Vào bệnh viện, bà đã được các bác sĩ băng bó, chạy chữa… nhưng khi về nhà do thiếu kiến thức về y tế, cũng bởi còn bận cháu chắt đỡ con cái nên bà không giữ được. Một thời gian sau mặc dù đã tháo bột nhưng bà vẫn thấy đau và khó chịu, bác sĩ kiểm tra thì phát hiện xương đã bị chệch. “Thế là cánh tay yếu hẳn, không làm được nhiều như những ngày trước. Giờ có muốn làm cỏ, làm ruộng cũng rất khó khăn. Thế nên lại đành đi nhặt giấy, nhặt rác” – bà Mai cho biết.

Cũng như nhiều người dân khác nơi đây, bà Mai rất sợ đến bệnh viện. Việc ốm đau chưa rõ, nhưng cứ đến là mất tiền, mà với cuộc sống đến miếng ăn còn khó khăn thì có bất cứ vấn đề gì xảy ra với sức khỏe đều là những thứ dồn cuộc sống của những người nơi đây đến cuối chân tường…

Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên

Nội dung: Ngọc Dung – Khánh Huy

Ảnh và thiết kế: Khánh Huy