Thủ tướng: Đề án 06 góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Toàn cảnh cuộc họp. |
Chiều 2-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ, thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đây là cuộc họp thứ hai do Thủ tướng chủ trì về nội dung này, tiếp theo Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án được tổ chức ngày 18-1 vừa qua. Trước đó, Đề án được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1.
Báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp cho thấy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ triệu tập Hội nghị toàn quốc và có những chỉ đạo quyết liệt, công tác chỉ đạo, triển khai Đề án tiếp tục được thúc đẩy đồng bộ, mạnh mẽ, nên mặc dù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài nhưng những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án cơ bản được bảo đảm đúng tiến độ, một số nội dung đã vượt tiến độ đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì 03 buổi làm việc với cơ quan thường trực Đề án (Bộ Công an, VPCP) và các bộ, ngành liên quan để đôn đốc, chỉ đạo, đánh giá, rà soát công việc. Bộ phận giúp việc, Tổ công tác triển khai Đề án đã phân công lực lượng làm việc "xuyên Tết" để bảo đảm các nhiệm vụ được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Thủ tướng: Đề án 06 góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược |
Bộ Công an, VPCP đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ với vai trò thường trực Tổ Công tác để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Tính đến ngày 28-2, đã có 38 bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác (16 Bộ, cơ quan, 22 địa phương); 40 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án (14 Bộ, cơ quan, 26 địa phương).
Về kết quả thực hiện các nội dung trọng tâm của Đề án, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan họp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thực hiện các nội dung của Đề án.
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 08 năm 2022 quy định danh mục sản phẩm khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Nghị quyết Chính phủ và Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ quốc hội để lãnh đạo Chính phủ xem xét quyết định; đã dự thảo Nghị định định danh và xác thực điện tử (hiện đang xin ý kiến các đơn vị liên quan và lấy ý kiến Nhân dân).
Đặc biệt, việc triển khai cung cấp các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đạt kết quả tích cực. Bộ Công an phối hợp VPCP đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh Nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế.
VPCP đã ban hành hướng dẫn tích hợp, kết nối chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án đang được Bộ Công an và các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện bảo đảm tiến độ, bước đầu có hiệu quả tích cực, hồ sơ tiếp nhận tăng từng ngày. Đặc biệt là lĩnh vực cư trú, trước khi triển khai Đề án, trung bình 1 ngày tiếp nhận 1.225 hồ sơ, sau khi triển khai đề án, số lượng tăng gấp đôi, kết quả giải quyết đúng hạn tăng từ 89% lên 96,5%.
Về nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an phối hợp với 25 doanh nghiệp lớn để triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Bộ Công an cung cấp việc xác thực danh tính của người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của một số ngân hàng.
Về phục vụ phát triển công dân số, Bộ Công an đã tổ chức triển khai cấp tài khoản định danh điện tử trên cả nước từ ngày 25-2-2022 cho công dân kết hợp với việc cấp căn cước công dân.
Về kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, đã tổ chức kết nối thành công dữ liệu bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), dữ liệu mã số thuế cá nhân (Bộ Tài chính), dữ liệu học sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), dữ liệu trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), dữ liệu đăng ký sử dụng điện (Tập đoàn Điện lực); tiếp tục triển khai thống nhất kỹ thuật với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Công an đã phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành giải pháp và triển khai thành công việc đồng bộ 36 triệu dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân để phục vụ người dân chỉ sử dụng một loại giấy tờ căn cước công dân khi đi khám bệnh (tích hợp sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế).
Về phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng phân tích, cung cấp các thông tin cơ bản về dân cư để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cùng với quá trình kết nối làm giàu dữ liệu, các thông tin cung cấp từng bước toàn diện hơn, phục vụ các mục đích đa dạng trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tích cực vào cuộc của Thường trực Tổ công tác và các cơ quan. Nhờ đó, việc triển khai Đề án cơ bản bám sát tiến độ, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định và quan trọng nhất là khẳng định sự đúng hướng, trúng vấn đề. "Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, đầu tư công sức, trí tuệ và làm việc có đam mê nên việc triển khai Đề án đã mang lại hiệu quả ngay, tiện ích ngay cho người dân và doanh nghiệp, đây cũng là bài học quý", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc triển khai Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.
Đề án được triển khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các nền tảng khác để khai thác tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm (chi phí, thời gian, công sức…) và hiệu quả nhiều mặt.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng cơ bản với 06 đề xuất kiến nghị của Tổ công tác.
Thứ nhất, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương khẩn trương triển khai Đề án, trong đó phải triển khai đầy đủ các nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Thứ ba, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chi kinh phí các dự án công nghệ thông tin, nhất là khắc phục những lỗ hổng về an ninh, an toàn để kịp thời phục vụ Đề án.
Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Thứ năm, các bộ, ngành khẩn trương thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06.
Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện Đề án tại các địa phương, tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai thực hiện tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương, giao UBND TP. Hà Nội triển khai làm điểm.
Nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tiếp tục tiếp tục nâng cao nhận thức về Đề án. Đề án trực tiếp liên quan đến các đột phá chiến lược, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và của quốc gia, không phải là đề án, nhiệm vụ của riêng cơ quan, đơn vị, địa phương nào, phải xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, sản phẩm dùng chung; hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện…
Thủ tướng giao Tổ công tác có văn bản gửi công an các địa phương (cơ quan thường trực) tham mưu kiện toàn Tổ Công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức kiểm tra việc thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó xác định rõ trách nhiệm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong tổ chức, triển khai, chỉ đạo, đặc biệt là nhận thức của cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công từ cấp cơ sở.
Tổ công tác thống kê đầy đủ các đầu việc các bộ, địa phương được giao theo Quyết định 06 (gồm 13 nhóm nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương; 89 nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, cơ quan và 08 nhóm nhiệm vụ của địa phương) và có văn bản yêu cầu các bộ, địa phương rà soát, đối chiếu để ban hành bổ sung các nhiệm vụ còn thiếu, bị bỏ sót.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, VPCP và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thống nhất phạm vi, cách thức tiến hành rà soát, đề cương, biểu mẫu, phụ lục bảo cáo kết quả rà soát và có hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung (cố gắng hoàn thành trong tháng 3, tháng 4 và chậm nhất trong tháng 5).
Bộ Tư pháp sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nghiệp vụ hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn, thay đổi thông tin hộ tịch…) theo phạm vi quản lý nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu có giải pháp đầu tư cấp bách, ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung bảo đảm an ninh mạng, an toàn hệ thống ở mức cao nhất trong triển khai Đề án; tăng cường nguồn lực, sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ…
Thủ tướng nhấn mạnh, rút kinh nghiệm từ hơn một tháng triển khai Đề án xuyên Tết, đạt hiệu quả tích cực, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục quyết tâm, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đánh giá tiến độ thực hiện Đề án hằng tháng, bổ sung báo cáo về Đề án vào danh mục tài liệu họp Chính phủ thường kỳ, "làm tốt phải biểu dương, làm chưa tốt phải phê bình kiểm điểm", rút kinh nghiệm từ Đề án này để chỉ đạo các đề án khác trong chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại