Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan: Nhiều khâu kiểm tra “quá mức cần thiết”!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐây là hội thảo do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức, là một trong các hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Hải cho biết, hiện có 259 văn bản về quản lý chuyên ngành, trên 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành với khoảng 100.000 dòng hàng hóa. Theo các qui định này, có mặt hàng vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, thuộc diện kiểm tra của cả Bộ Y tế lẫn Bộ Công thương. Chưa kể, nhiều DN phản ánh đến cơ quan hải quan là khi mang hàng hóa đến kiểm tra chuyên ngành thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành lại từ chối… đang là những khó khăn không nhỏ của DN.
Đại diện Hiệp hội chuyển phát nhanh: “Thông tư 32/2009/TT-BCT có khá nhiều bất cập”. Ảnh: P.Thảo
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG cho biết, qua khảo sát, DN phản ánh chính sách, pháp luật về kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu có khá nhiều vướng mắc, bất cập. Đó là qui định về thủ tục hải quan rất hay thay đổi khiến DN chưa nắm vững văn bản này thì đã được thay thế bằng văn bản khác hoặc ngược lại, không ít vướng mắc chậm sửa đổi, chậm được ban hành.
Nhiều qui định chồng chéo như danh mục hàng dệt may phải kiểm tra hàm lượng formatdehyt giữa Thông tư 32/2009/TT-BCT và Quyết định 11039/QĐ-BCT cùng của Bộ Công thương khiến DN không biết thực hiện theo văn bản nào? Hiện, nhiều mặt hàng phải chịu sự kiểm tra, cấp chứng thư của 2-3 cơ quan thuộc cùng một Bộ hoặc 2 đến 3 Bộ khác nhau như kiểm dịch thực vật, động vật, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm… đang là gánh nặng TTHC lớn với DN. 70,6% DN được khảo sát cũng cho biết thời gian cấp giấy phép, chứng nhận hợp qui, kiểm tra chuyên ngành hết 7-15 ngày là quá dài. “Qui định không rõ ràng dẫn đến cùng một luật như an toàn thực phẩm mỗi Bộ hiểu khác nhau, cùng một qui định nhưng mỗi đơn vị hải quan áp dụng khác nhau”, ông Bình nói.
Còn theo vị đại diện Hiệp hội Chuyển phát nhanh CAPEC thì qui định của Thông tư 32/2009/TT-BCT có khá nhiều bất cập. Đó là qui định thời gian kiểm tra hàng hóa nhỏ lẻ gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh là từ 3 đến 5 ngày, chi phí 2,1 triệu đồng/mẫu, bất kể mẫu nhỏ hay lớn. Hay theo Quyết định 50/2006/QĐ-TTg thì đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi phải kiểm tra chất lượng, nhưng Quyết định 1171/QĐ-BKHCN cũng qui định đồ chơi trẻ em phải kiểm tra chất lượng nhưng không qui định trên hay dưới 36 tháng tuổi? Còn Nghị định 38/2012/NĐ-CP nêu thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu, nhưng lại không qui định cụ thể thế nào là hàng mẫu, số lượng, qui cách… dẫn đến cả DN lẫn cơ quan chức năng đều lúng túng.
“Đáng nói là tuy kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ các trường hợp không đạt yêu cầu xuất nhập khẩu rất ít, luôn dưới mức 1% tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu và kết quả này đang cho thấy, việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay là “quá mức cần thiết”, ông Bình nói và cho rằng, để khắc phục các bất cập này, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức kiểm tra; rà soát lại danh mục hàng hóa phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành để loại trừ những mặt hàng không nhất thiết phải kiểm tra.
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại