Thứ bậc trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2022 thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChỉ số PCI được coi là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, TP ở Việt Nam. |
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) - Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, TP tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Chỉ số PCI được coi là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Với kết quả công bố thường niên cùng hệ thống dữ liệu đăng tải công khai trên trang web của dự án (www.pcivietnam.vn), đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, TP nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói chung, có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành chính tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Top 30 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022. |
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Theo PCI 2022, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2022.
Lần thứ 6, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 đến năm 2022, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.
Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Bắc Giang là hiện tượng mới trong PCI 2022 - lần đầu tiên bước lên top 2, khi tỉnh này cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021.
Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về TP Hải Phòng với điểm số 70,76. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu tiên góp mặt trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm.
Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là vị trí 6/63 trong PCI 2011. Đứng vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 PCI 2022 là các tỉnh, TP: Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An. Ngoại trừ Long An tăng 6 bậc từ vị trí 16/63 của PCI 2021, các địa phương còn lại đều có mặt trong top 10 PCI 2021.
Đáng lưu ý, theo ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế, VCCI, nhấn mạnh, năm 2022 các trung tâm kinh tế lớn đều sụt hạng. Hà Nội tụt 10 bậc, từ vị trí thứ 10/2021 xuống vị trí 20/2022; TP HCM từ vị trí 14/63 tỉnh, TP năm 2021 xuống 27/63 tỉnh, TP năm 2022. Đà Nẵng vẫn nằm trong top 10 nhưng thứ tự giảm từ vị trí thứ 4 năm 2021 xuống thứ 9/2022.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại