Thiếu kiến thức về mạng internet, phụ huynh vô tình “tiếp tay” cho kẻ xấu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMạng ảo, tổn thương thật
Theo thống kê, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1/2017, cả nước có 50.05 triệu người dùng internet (chiếm 53% dân số). Trong đó có hơn 1/3 số là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24.
Thế giới công nghệ ngày càng phát triển, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ, là thế giới tri thức không biên giới và đem lại nhiều mặt tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên bên cạnh những giá trị tích cực, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Đó là những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em như: bạo lực, tình dục... Hay khiến nhiều trẻ em mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone. Rồi việc trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm, xâm hại trên môi trường mạng.
Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì trẻ em và thanh thiếu niên đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam. Tuy nhiên trẻ em lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%). Chỉ có 11% học từ nhà trường nhưng hầu hết các trường học cũng mới chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Trong khi từ phía cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc thì do những hạn chế về kiến thức, kỹ năng gặp nhiều khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: "Môi trường mạng bên cạnh những giá trị tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em". |
Theo ông Đặng Hoa Nam, “việc phụ huynh chụp hình ảnh con em mình và lưu giữ làm kỷ niệm thì không sao, nhưng khi đăng tải những hình ảnh đó công khai lên mạng xã hội, không có sự giới hạn người xem thì cần cân nhắc xem điều này đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay chưa?
Chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì nhưng những tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật. Đã có nhiều vụ bắt cóc, xâm hại trẻ em xảy ra bắt nguồn từ việc phụ huynh đăng tải thông tin, hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội đã vô tình cung cấp thông tin để các đối tượng xấu có thể hãm hại trẻ”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam thông tin.
Thông tin thêm về nội dung này, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho hay: Theo một kết quả nghiên cứu của Anh, cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Cần những liều “vắc xin” bảo vệ trẻ em
“Cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số. Đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nói.
Theo ông Đặng Hoa Nam, nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày. Thực tế ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội. “Trước đây chúng ta đã chứng kiến sự nguy hiểm của việc trẻ em nghiện game online thì nay trẻ nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh cũng nguy hiểm không kém. Và việc trẻ em đang bị bạo lực, xâm hại trên mạng là có thật”, ông Nam nói.
Chia sẻ những giải pháp dành cho gia đình, ông Nguyễn Sơn Tùng – Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý: Các hoạt động của trẻ em trên mạng internet thường là: Giao tiếp (nhắn tin, gọi điện thoại có camera, email...), chia sẻ dữ liệu (hình ảnh, vị trí...), chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số (blog, livestream, youtube...), sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter...), giao dịch trực tuyến (mua vật phẩm trò chơi, mua sắm qua trang thương mại điện tử...).
"Từ những hoạt động đó, có những giải pháp để cha mẹ có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được. Chẳng hạn, chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối internet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái. Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web; Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…
Để góp phần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ trẻ em trên mạng, vào tháng 6 tới đây, Cục Trẻ em sẽ tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Tháng hành động sẽ có những hoạt động thiết thực như: Tập huấn cho trẻ em về quyền trẻ em và kỹ năng an toàn khi sử dụng công nghệ số và mạng xã hội; Tổ chức diễn đàn để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại