Thứ sáu 22/11/2024 02:52
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Dự án Luật Đất đai sửa đổi

Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, ngăn tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một trong những điểm quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là tiếp tục phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất, thậm chí phân quyền mạnh hơn so với Luật Đất đai 2013. Dự thảo Luật đề xuất thêm nhiều công cụ kiểm soát, giám sát quyền lực cơ quan quản lý đất đai tại địa phương.
Luật Đất đai sửa đổi cần cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất
Luật Đất đai sửa đổi cần cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất

Tăng cường vai trò giám sát và giải quyết tranh chấp

Theo đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đi đôi với việc phân cấp thẩm quyền cho các địa phương là kiểm soát chặt chẽ, thiết lập các cơ chế quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất, kiểm soát và quản lý mọi biến động của thửa đất được cập nhật theo thời gian thực từ địa phương về trung ương.

Theo tìm hiểu, Dự thảo Luật Đất đai lần này dành riêng một chương (Chương XI) quy định về Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó quy định rõ về quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ hưu trí ở huyện Thanh Trì, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh quy định về giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, ông Hùng đề nghị sửa đổi khoản 2, Điều 203, Luật Đất đai 2013 đối với những trường hợp không có giấy tờ theo Điều 100, Luật Đất đai: “Đương sự được phép lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết tranh chấp là UBND các cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền”, nay xin đề nghị điều chỉnh thành: “Tranh chấp đất đai cơ quan giải quyết là TAND các cấp có thẩm quyền”, vì thực tế giải quyết tại UBND các cấp không có hiệu quả, chồng chéo; có trường hợp cơ quan hành chính các cấp giải quyết xong thì lại là đối tượng khởi kiện hành chính (cơ quan Toà án thụ lý).

Chia sẻ rõ hơn về quy định này, TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho hay, khi cơ sở dữ liệu đất đai hoàn thành thì công tác cải cách thủ tục hành chính được rút ngắn đồng thời trung ương quản lý thống nhất đất đai từ trung ương đến địa phương liên quan quy hoạch, chuyển đổi sử dụng đất, đặc biệt giao đất qua đấu giá, đấu thầu, bồi thường GPMB cũng như giá đất cụ thể ở địa phương. Đây sẽ là công cụ để giám sát, kiểm soát quyền lực và giải quyết tranh chấp ở các địa phương.

PGS.TS Doãn Thị Hồng Nhung, trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất chính là việc thực hiện việc giám sát của Nhân dân đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Việc giám sát quá trình thực thi thu hồi đất của các cán bộ Nhà nước khi tiếp xúc với người dân là vấn đề cốt lõi của cả quá trình thu hồi đất. Thực hiện hoạt động này tốt sẽ hạn chế được tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức, quan liêu và xa dân.

Kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương trong thu hồi đất chính là việc phân công phân cấp nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ quản lý lĩnh vực đất đai, quản lý lãnh thổ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ đó, hoạt động kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất sẽ hạn chế được sự lộng quyền, lạm quyền mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp trong thực thi quyền lực Nhà nước giữa các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền lực Nhà nước trong thu hồi đất.

Hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là giải pháp quan trọng đối với hoạt động kiểm soát quyền lực. Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất cần phải được thực hiện nhằm loại bỏ sự tha hóa về quyền lực. Từ đó, làm cho hoạt động thu hồi đất diễn ra đúng pháp luật, loại bỏ những hành vi lạm dụng quyền lực, tham nhũng quyền lực trong lĩnh vực đất đai.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Nhất trí với một số quan điểm trong Nghị quyết số 18-NQ/TƯ đã được thể hiện trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đó là giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và DN khi phát sinh chênh lệch về giá đất khi có sự chuyển đổi, Đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc giải quyết, tháo gỡ vấn đề phân cấp, phân quyền trong Luật Đất đai hiện nay rất chậm. Ví dụ đơn giản là việc cưỡng chế, nếu theo đúng thủ tục sẽ mất 90 ngày, như vậy, từ khi có quyết định cưỡng chế cho đến khi thực hiện cưỡng chế mất 3 tháng, trong khi yêu cầu công việc đòi hỏi phải nhanh và hiệu quả.

Từ đó, đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng, phải có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND các cấp, kể cả cấp quận, huyện, TP, tỉnh nếu các cơ quan này thực sự phát huy được tính giao quyền, đủ kinh nghiệm, đủ trình độ, năng lực quản trị.

Nhất trí với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với 9 điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013, Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi giải quyết được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Khi đó sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Dự thảo Luật lần này quy định thông thoáng hơn, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua.

Do việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện, tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với các Luật có liên quan.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Thời gian qua, hàng loạt quan chức các địa phương “dính chàm” liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể là, tháng 8/2022, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Văn Liêm - cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Cành - cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng 25 người khác trong vụ án sai phạm tại 43ha “đất vàng” của tỉnh này. Trước đó, ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí do sai phạm trong quản lý đất đai.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động