Thứ sáu 19/04/2024 14:35

Thị trường vận tải biển khởi sắc: Lãi lớn, lo nhiều?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giá cước vận tải biển (VTB) trên thị trường thế giới hiện cao hơn gấp 3 - 4 lần so với đầu năm 2019, điều này làm cho các DN kinh doanh ngành này khởi sắc. Tuy nhiên, năng lực quản trị, khả năng kiểm soát rủi ro, chiến lược đầu tư…vẫn là những nỗi lo lớn trước các “cơ hội ngà vàng này”.
Thị trường vận tải biển khởi sắc: Lãi lớn, lo nhiều?
Phát triển đóng mới đội tàu Container vận chuyển quốc tế được xem là hướng đi phù hợp của các DN nội địa.

Giá cao, lợi nhuận cũng cao

Tiếp đà thắng lợi ngoài dự kiến của việc ảnh hưởng trái chiều dịch bệnh Covid -19 trong quãng thời gian 2020 -2021, hàng loạt DN VTB đã công bố kết quả kinh doanh lạc quan trong hơn nửa đầu năm 2022.

Chẳng hạn, với chiến lược: Mua tàu cũ, đóng tàu Container, bớt tự vận hành chuyển sang cho thuê, mở các tuyến vận tải Container mới, nhất là tuyến châu Á (Hồng Công, Singapore, Trung Quốc…), Cty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đã đạt doanh thu quý II/2022 hơn 929 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hơn 169 tỉ đồng, cũng cao gấp đôi quý II/2021.

Trong khi đó, năm 2021 Cty này đã ghi nhận doanh thu tới 1955 tỷ đồng, lãi sau thuế 445 tỷ đồng ( gấp 3,2 lần năm 2020) và chia cổ tức với tỷ lệ lên tới 50%. Điều này càng thuận lợi hơn khi nhiều chuyên gia nhận định thị trường cho thuê tàu trên thế giới trong vòng 3 năm tới vẫn ổn định, vì vậy ngay sau khi góp 27 triệu USD mua tàu mới, HAH đã cho thuê chiếc tàu này từ tháng 6/2022 đến 6/2025 với giá lên tới 40 ngàn USD/ngày.

Hay Cty CP VTB Việt Nam (Vosco - VOS) vốn đã lỗ triền miên những năm trước và bắt đầu hồi phục trong năm 2021 cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mới. Năm 2021 VOS đạt tổng doanh thu 1733 tỷ đồng bằng 1415% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế lên tới 505 tỷ đồng, bằng gần 1700% kế hoạch năm do việc thị trường VTB thế giới cũng như Container nội địa được duy trì ở mức cao.

VOS đã đạt mức lợi nhuận quý cao nhất trong gần 14 năm qua, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6.2022, VOS có lãi sau thuế hơn 315,6 tỉ đồng tăng gần 42% so với 6 tháng đầu 2021. Cũng tăng trưởng mạnh khi hoạt động hồi phục là "ông lớn" Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (VIMC) khi lập kỷ lục lợi nhuận trong quý 2 vừa qua với mức hơn 1.434 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm 2022, VIMC có lãi sau thuế hơn 2.123 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu 2021 và hoàn thành hơn 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

“Mặc dù so với lúc cao điểm từ giữa 2021 trở về trước, giá cước VTB quốc tế đã giảm 20-30%, nhưng vẫn là mức lợi nhuận lý tưởng cho các DN. Vì vậy, ngoài việc tăng cường sản lượng tuyến nội địa chiều TP HCM – Hải Phòng, hàng loạt Cty đã tập trung cho đối tác nước ngoài thuê tàu chạy tuyến quốc tế, mở rộng cho thuê thuyền viên, tận dụng mức giá cao, kể cả thời điểm giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay.

Nhờ vậy, bức tranh chung của các DN VTB từ đầu năm đến nay vẫn là màu sáng, số DN có lỗ lũy kế còn dưới 20%, hơn 90% DN có dòng tiền thu nhập ổn định”, ông Trịnh Hữu Lương, một chuyên gia của Hiệp hội VTB Việt Nam nhận định.

Làm gì để tránh vết xe đổ

Sau thời kỳ tăng trưởng mang tính “thăng hoa” về giá trong những năm đầu thế kỷ XXI, 10 năm gần đây là lúc thị trường VTB quốc tế rơi vào tình trạng suy thoái, “xuống đáy” về quan hệ cung cầu. Trong bối cảnh đó, ngành VTB Việt Nam rơi vào tình trạng lao đao, số DN kinh doanh có lãi chỉ còn chưa tới 10%, hàng loạt “tên tuổi lớn” như Vinashine, Vinalines, Vosco… bị xóa sổ hoặc “bên bờ vực thẳm.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó khách quan là nhu cầu thị trường nhưng chủ quan vẫn là việc phát triển quá nóng trong khi trình độ quản trị thấp kém, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bộ máy quản trị quá cồng kềnh, thiếu kiến thức thị trường…đã dẫn tới các DN nội đã bỏ qua một “cơ hội phát triển vàng”.

“Đây thực sự là một điều kiện cực kỳ thuận lợi cho việc tái cơ cấu các DN VTB Việt Nam trong bối cảnh cả nền kinh tế thế giới cũng như trong nước có những biểu hiện bất lợi như: Giá nguyên liệu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng” – ông Trịnh Hữu Lương nhận định.

Theo đó, để tận dụng được cơ hội hiếm có này, tránh vết xe đổ cách đây chưa xa, các chuyên gia, lãnh đạo DN thành đạt đều đồng thuận về việc khuyến nghị các DN áp dụng các biện pháp tăng cường năng lực, giảm thiểu rủi ro hướng tới sự phát triển bền vững thị trường VTB thời gian tới.

Trước hết tập trung việc tái cơ cấu tài chính theo hướng tranh thủ cơ hội thanh lý các đội tàu tuổi cao, đã khấu hao nhiều năm, ưu tiên xử lý nợ với các ngân hàng (hàng loạt DN khó khăn trước đây đã được ngân hàng đồng ý thanh lý nợ với mức thu bằng 30-40% nợ gốc).

Tiếp nữa, ngoài việc theo dõi sát tình hình thị trường (nhất là thị trương nhiên liệu) để có giải pháp phù hợp các DN cần đặc biệt quan tâm việc tăng cường công tác quản lý vật tư, phụ tùng, bảo quản, bảo dưỡng để giảm tiêu thụ, chống thất thoát.

Tranh thủ cơ hội thực hiện tối ưu hóa trong quản trị, điều hành, tiết giảm nhân sự và thoái vốn các khoản đầu tư. Mặt khác, quyết liệt đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trả lương theo hiệu quả công việc, nhất là đối với đội ngũ thuyền viên.

10 tháng đầu năm lượng hàng hoá qua cảng biển Việt Nam tăng 3%

Bác yêu cầu của Cty TNHH Vận tải biển và xuất nhập khẩu HTK

Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải biển

Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển
Trường Lưu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động