Thí sinh dự tuyển vào các trường quân đội cần lưu ý điều gì?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác trường đại học, cao đẳng khối quân sự tuyển sinh gần 5.000 chỉ tiêu năm 2022. (Ảnh minh hoạ) |
Năm nay, 17 trường đại học, học viện khối ngành quân đội tuyển sinh gần 5.000 chỉ tiêu, cơ bản giữ ổn định tuyển sinh như những năm trước. Trường Sĩ quan Chính trị tuyển sinh nhiều nhất với 721 chỉ tiêu, tiếp đến là Sĩ quan Lục quân 1 với 513 chỉ tiêu và Học viện Kỹ thuật Quân sự với 512 chỉ tiêu. Học viện hậu cần và Trường Sĩ quan Phòng hóa có số chỉ tiêu tuyển sinh ít nhất, lần lượt là 55 và 42 chỉ tiêu.
Đối tượng tuyển sinh là quân nhân đang tại ngũ và đã xuất ngũ trong độ tuổi 18 - 23, thanh niên ngoài quân đội trong độ tuổi 17 - 21 tuổi. Chỉ có 3 trường xét tuyển thí sinh nữ gồm: Học viện Quân y, Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong Quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành); các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội.
Các học viện, trường trong quân đội chỉ xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng; tham dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; các bài thi, môn thi phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các trường trong quân đội mà thí sinh đăng ký.
Năm nay, các trường quân đội vẫn tổ chức xét tuyển theo các tổ hợp như năm 2021. Ngoài ra, các phương thức tuyển sinh bao gồm xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh; xét tuyển thẳng ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT.
Thí sinh đã nôp hồ sơ sơ tuyển được điều chỉnh nguyện vọng đăng lý xét tuyển theo nhóm trường như sau:
Nhóm 1: Gồm các học viện Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
Nhóm 2: gồm các học viện Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không - Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).
Theo quy định chung, các trường khối quân đội thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài Quân đội; xác định điểm chuẩn riêng theo đối tượng nam - nữ (nếu trường có tuyển thí sinh nữ); theo thí sinh có hộ khẩu thường trú hoặc theo từng Quân khu; thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm tuyển theo hộ khẩu thường trú. Đối với các học viện, trường có xét tuyển đồng thời Tổ hợp A00 và A01 thực hiện một điểm chuẩn chung cho 2 tổ hợp này. Ngoài ra, trong trường hợp có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, số thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, sử dụng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển làm các tiêu chí phụ để xét tuyển.
Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào các học viện, trường trong Quân đội, sẽ được xét tuyển các nguyện vọng kế tiếp vào các trường ngoài Quân đội theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng thí sinh đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ban Tuyển sinh, Bộ Quốc phòng lưu ý, tuy Bộ GD&ĐT dự kiến đăng ký tuyển sinh ĐH sẽ diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến tổ chức vào tháng 7) nhưng vòng sơ tuyển của Bộ Quốc phòng đối với các thí sinh xét tuyển năm nay diễn ra từ 15-3 đến 20-5. Thí sinh xét tuyển vào các trường quân đội phải đảm bảo hai điều kiện tiên quyết là qua vòng sơ tuyển của Ban chỉ huy Quân sự cấp quận, huyện và đăng ký nguyện vọng 1 vào trường quân đội yêu thích.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại