“Theo dõi sức khỏe tại nhà” không có nghĩa là… thả lỏng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc cho phép người về từ vùng dịch theo dõi sức khỏe tại nhà cần sự giám sát của tổ Covid cộng đồng (ảnh P.C). |
Nhiều ca bệnh liên quan đến người về từ vùng dịch
Phát biểu tại Hội nghị Kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu thực trạng: Sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch. Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, tính đến ngày 21-10, toàn thành phố đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm trên 3.000 người từ các tỉnh miền Nam, đã có 32 trường hợp dương tính, trong đó về từ TP Hồ Chí Minh (23), Đồng Nai (5), Tây Ninh (1), Bình Dương (3). Phân loại theo phương tiện di chuyển: 21 người đi bằng ô tô, 9 người đi máy bay, 1 đi bằng xe máy, 1 người đi tàu hỏa. Về tiền sử tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, trong số 32 bệnh nhân được phát hiện có 19 người đã tiêm đủ 2 mũi; có 8 người tiêm 1 mũi. Chỉ có 5 người chưa tiêm, và chưa đến tuổi tiêm chủng.
Vắc-xin không phải “bảo bối” phòng bệnh
Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hà Nội bày tỏ: Thời gian qua để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong sinh hoạt cũng như tâm lý thoải mái nên trong quy định đã không cách ly người về từ vùng dịch. Nhưng thực tế một số trường hợp vẫn không tuân thủ nghiêm việc 5K. Như trường hợp một bệnh nhân ở Long Biên về từ các tỉnh phía Nam đã qua Đình Ngang (quận Hoàn Kiếm), vẫn đi đến nhà bạn để gặp gỡ, tụ tập…
Nhiều người chủ quan nghĩ rằng bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thì có thể đi lại tự do, thoải mái. Tuy nhiên, bà Lã Thị Lan cho biết: Tiêm rồi không phải là “bảo bối” để không bị nhiễm bệnh. “Mặc dù bỏ cách ly để mở cửa phát triển kinh tế, tuy nhiên việc người đi về từ vùng dịch dù tiêm vắc-xin rồi thì vẫn nhiễm. Như các ca ở TP Hồ Chí Minh gần đây về đều vẫn nhiễm. Hoặc ví dụ như nhóm bác sỹ ở Phú Thọ đi hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch trở về vẫn nhiễm dù đã tiêm đủ 2 mũi. Điều đó cho thấy dù đã tiêm vắc-xin nhưng tỉ lệ nhiễm khá cao”, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh.
PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho biết, tiêm đủ 2 mũi giúp bảo vệ tốt hơn, giảm sự lây nhiễm. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ virus của người tiêm và người không tiêm bằng nhau nên tỉ lệ lây nhiễm cho người khác giống nhau. Chỉ khác là người tiêm không có triệu chứng và không tử vong. Như vậy người tiêm chủng vẫn có thể bị mắc nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt lây cho trẻ em, đối tượng chưa được tiêm; lây cho người già, người có bệnh nền-những người này chưa được tiêm thì nhiễm phải nhập viện và nguy cơ tử vong.
Đề nghị xử lý nghiêm người vi phạm
Trước tình trạng gia tăng ca nhiễm Covid-19 là người trở về từ vùng dịch phía Nam tại các địa phương trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ: Chúng tôi lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch. Các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn.
Về việc theo dõi, cách ly người trở về từ vùng dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch đối với các trường hợp này. Người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khoẻ tại nhà, nhưng không có nghĩa là “thả lỏng” mà phải dựa vào tổ Covid cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc CDC khuyến cáo: những người đi về từ các tỉnh phía Nam dù đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn cần theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội. Tuân thủ nghiêm 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định. “Đề nghị người dân lưu ý động viên người đi về từ vùng dịch khai báo, tự theo dõi sức khỏe và có ý thức tự giác không tiếp xúc với mọi người. Đồng thời, đề nghị chính quyền xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện quy định về phòng chống dịch, từ vùng dịch về không thực hiện nghiêm 5K, vẫn đi lại, tiếp xúc”, bà Lan nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại