Tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở trong quá trình tự đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều tác động tích cực
Thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đánh giá xã, phường, thị trấn đạt CTCPL; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28-7-2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, thời gian qua, điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân ở nhiều địa phương được cải thiện, nâng cao.
Tỷ lệ các thủ tục hành chính được giải quyết đúng thời hạn, thủ tục đạt tỷ lệ cao, chủ yếu trên 90%, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính được khẳng định. Các văn bản pháp luật mới và những quy định pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, thị xã, TP hiện trong 6 tháng đầu năm 2021, có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5%). Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100% như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đông Anh...
Một số quận, huyện có số xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ thấp như: Thanh Oai, Sóc Sơn, Hoài Đức, Ứng Hòa. Các xã, phường, thị trấn không đạt CTCPL phần lớn do có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra, một số ít do không đạt điểm số theo quy định. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL 6 tháng đầu năm 2021 được các cấp quan tâm, triển khai theo quy định của pháp luật.
|
Sớm khắc phục một số vấn đề còn tồn tại
Khẳng định những kết quả tác động từ thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL đối với đời sống xã hội và mỗi một người dân, thực tế triển khai nhiệm vụ này bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần sớm khắc phục để bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của công dân; đồng thời để việc thực hiện CTCPL thật sự là động lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.
Thực tế cho thấy, một số chính quyền cấp cơ sở chưa thật sự quan tâm đến nhiệm vụ này và chỉ triển khai khi gắn với mục đích đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới. Một số huyện chưa chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị cấp xã tổ chức đánh giá đạt CTCPL cũng như xây dựng các giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Sự phối hợp giữa các ngành trong triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí và các điều kiện đạt CTCPL chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, thiếu sự kết nối.
Trong nguyên tắc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đã nêu rõ “Kết quả xây dựng cấp xã đạt CTCPL là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã”.
Tuy nhiên, theo ý kiến từ một số cơ sở, đến nay, Quy định đã được triển khai đến năm thứ 4 nhưng để CTCPL trở thành tiêu chí đánh giá “phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã” vẫn chưa được quy định cụ thể trong các văn bản liên quan. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg.
Vấn đề nữa, tiêu chí đánh giá CTCPL cũng cần có sự cân nhắc cho phù hợp tình hình thực tiễn. Bởi có nhiều tiêu chí trong quá trình tự đánh giá sẽ khá khó khăn.
Ví dụ như: Ban hành kế hoạch, văn bản khác triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật, chỉ đạo của cấp trên đúng yêu cầu, tiến độ, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, văn bản khác nêu trên (UBND xã là nơi tiếp nhận rất nhiều văn bản chỉ đạo của cấp trên để triển khai thực hiện, do đó, khó xác định đầy đủ văn bản chỉ đạo của cấp trên); hay bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở theo quy định (thường thì các đơn vị bố trí kinh phí theo hướng phù hợp với tình hình tài chính nên khó đánh giá là kinh phí có đảm bảo cho công tác hay không),…
Theo đánh giá kết quả đạt CTCPL của huyện Đan Phượng (Hà Nội) thì: Việc đánh giá xã, thị trấn đạt CTCPL được thực hiện với 5 tiêu chí, và 25 chỉ tiêu, theo hướng dẫn của Sở Tư pháp tài liệu kiểm chứng cho 5 tiêu chí này là 21 loại biểu mẫu báo cáo. Số lượng báo cáo nhiều, nội dung báo cáo lại phức tạp, có những nội dung vẫn thực hiện ở địa phương nhưng quá trình thực hiện cán bộ, công chức, tổ chức chính trị xã hội liên quan vẫn thực hiện trong năm nhưng chưa lưu được giấy tờ tài liệu lãm căn cứ kiểm chứng. Có những nội dung nhằm nâng cao vai trò của Nhân dân tuy nhiên, mang tính chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng.
Vì thế, nhiều ý kiến từ cơ sở hi vọng rằng, Dự thảo sửa đổi Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt CTCPL mà Bộ Tư pháp trình Chính phủ thời gian tới sẽ có những điều chỉnh tiêu chí hợp lý, phù hợp với thực tiễn cơ sở, qua đó tháo gỡ được những vướng mắc còn tồn tại.
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng gọn nhẹ Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đơn vị đang tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại