Tháng 9/2024: khởi động toàn thành phố, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: Khánh Huy |
Lan toả pháp luật bằng nhiều kênh, mô hình...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Thị Thanh Nhàn nêu, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã tổ chức 215 cuộc tuyên truyền PBGDP tới các hội viên. Hội nông dân cũng tích cực áp dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền pháp luật qua app của Hội. Tại app này, các hội viên tiếp cận các văn bản pháp luật nhanh chóng. Hội Nông dân cũng sử dụng fanpage để thường xuyên đăng tải thông tin về hội viên xuất sắc, nông dân thủ đô tiêu biểu, các mô hình liên kết chuyển đổi số, bán hàng online, giới thiệu các quy định mới của pháp luật liên quan đến nông dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nhấn mạnh về việc phát triển các mô hình PBGDPL của Liên đoàn Lao động TP. Ảnh: Khánh Huy |
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn xây dựng và phát triển nhiều mô hình PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho người lao động tại tòa. Báo Lao động Thủ đô tích cực tuyên truyền PBGDPL, tổ chức 18 cuộc giao lưu trực tuyến trên báo. Liên đoàn tiếp tục vận động doanh nghiệp để cán bộ công đoàn, người lao động đến các điểm Tủ sách pháp luật, Tủ sách công đoàn - điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để sinh hoạt.
Bên cạnh đó, duy trì bản tin công đoàn, tiếp tục tuyên truyền Luật Thủ đô 2024. Đại diện Liên đoàn Lao động Thủ đô đề xuất, lãnh đạo TP quan tâm để hoàn thiện dự thảo Đề án PBGDPL cho đoàn viên các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Khánh Huy |
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi khẳng định, thời gian qua, Báo và các chuyên trang, ấn phẩm đã tuyên truyền đậm nét công tác tuyên truyền PBGDPL.
Thực hiện các kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội về truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Báo Kinh tế & Đô thị ban hành Kế hoạch năm và Kế hoạch đợt cao điểm tuyên truyền Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Báo, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội cùng các chuyên trang điện tử của Báo đã đăng tải gần 1.000 tin, bài, video, Podcast phản ánh quá trình xây dựng dự thảo Luật và đưa ý kiến của Nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cùng với đó, Báo tổ chức các toạ đàm, talkshow truyền hình và Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”…, được UBND TP Hà Nội và dư luận đánh giá cao.
Thời gian tới, Báo tiếp tục tuyên truyền chuyên sâu về Luật Thủ đô 2024; tăng cường sản xuất các clip ngắn, tác phẩm Podcast để Nhân dân dễ nắm bắt những quy định mới của Luật. Hiện, Báo đang xây dựng app tuyên truyền chính sách, PBGDPL để người dân dễ dàng theo dõi.
6 tháng cuối năm 2024, Báo sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó tăng cường các hội thảo, toạ đàm, talkshow để đưa Luật Thủ đô 2024 tới với Nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Hà chia sẻ về công tác PBGDPL tới học sinh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Về công tác tuyên truyền PBGDPL, 6 tháng đầu năm của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Hà chia sẻ, Đoàn đã tổ chức 21 đợt đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản Luật. Về công tác tuyên truyền PBGDPL, tính đến ngày 13/8, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức 39 cuộc tuyên truyền pháp luật, trong đó, 12 cuộc tuyên truyền về Luật Đất đai 2024.
Với Luật Thủ đô 2024, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chờ văn bản hướng dẫn thi hành sẽ tuyên truyền và đặt mục tiêu cuối năm 2024 đạt 62 cuộc. Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các mô hình tuyên truyền pháp luật, đó là mô hình: “Luật sư Thủ đô với đường vành đai 4”, nâng cấp thành “Luật sư Thủ đô với Luật Đất đai 2024”; “Luật sư Thủ đô với pháp luật” (tuyên truyền ở gần 30 phường) nâng cấp thành “Luật sư Thủ đô với phiên tòa giả định” (đã tổ chức 5 phiên tòa giả định ở các trường THPT và THCS.
Cuối chương trình, Ban Tổ chức tổng hợp diễn biến phiên tòa, đưa ra bài học kinh nghiệm cho học sinh nắm bắt dược. Hiện, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đang xây dựng 4 kịch bản tập trung truyên truyền phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy; an ninh mạng; an toàn giao thông cho học sinh. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư TP Hà Nội còn thực hiện công tác chuyển đổi số bằng nguồn kinh phí tự chủ.
Hà Nội là điểm sáng trong công tác PBGDPL
Phát biểu tại phiên họp, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên nêu, Hà Nội là điểm sáng trong công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật. Lãnh đạo UBND TP quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Đặc biệt, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP về mức chi cho cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở. Có thể thấy, nội dung tuyên truyền PBGDPL 6 tháng qua của Hà Nội đa dạng, trong đó, tập trung truyền thông phổ biến các luật mới ban hành, vấn đề dư luận quan tâm như: Đề án 06, Dự án đường vành đai 4, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL. Các cơ quan báo chí đã truyền thông hiệu quả về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật thiết thực và phát huy vai trò của luật sư, luật gia trong tuyên truyền PBGDPL.
Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, các ý kiến tại phiên họp đã nêu ra, thảo luận và Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn rất quan tâm, sát sao để tháo gỡ.
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên đánh giá cao công tác PBGDPL của Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Công tác tuyên truyền thời gian tới với những Luật mới, Sở Tư pháp TP là cơ quan lên kế hoạch tham mưu UBND TP trong việc hướng dẫn chung và tập hợp những kiến nghị, giải pháp để để xuất Hội đồng. Bên cạnh đó, mỗi sở, ngành cần biên soạn tài liệu phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Đối tượng tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, yếu thế; lựa chọn những vấn đề nóng, dư luận quan tâm như: Luật Thủ đô 2024, Luật Phòng cháy, chữa cháy. Về hình thức PBGDPL, ngoài cách tuyên truyền truyền thống, cần nhân rộng mô hình tuyên truyền pháp luật tự quản (các CLB, Tổ liên gia…), đây là giải pháp lâu dài.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền PBGDPL. Cốt lõi trong chuyển đổi số tuyên truyền PBGDPL là: dữ liệu, hạ tầng, tính năng và bồi dưỡng, đào tạo để các cấp, ngành thực hiện chuyển đổi số (ứng dụng AI, ChatBox…); cần đẩy mạnh đối thoại chính sách và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông dự thảo chính sách mà thực hiện “từ sớm, từ xa” sẽ đạt hiệu quả cao.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đã báo cáo kết quả công tác tuyên truyền PBGDPL 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác PBGDPL 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Khánh Huy |
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ghi nhận những kết quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL 6 tháng đầu năm của các đơn vị; đặc biệt là sự vào cuộc của các báo chí của Hà Nội và Trung ương trong truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần quan trọng vào việc dự thảo Luật được thông qua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để động viên kịp thời, TP sẽ có khen thưởng, tôn vinh các cá nhân và tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Khánh Huy |
Việc tuyên truyền Đề án 06, công tác phòng, chống tội phạm ma tuý… được triển khai với nhiều sự kiện, hiệu quả. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đề nghị, cần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp trong truyên truyền giữa các sở, ban, ngành. Trong 6 tháng cuối năm 2024, thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Luật Thủ đô 2024 đã được thông qua nhưng việc tuyên truyền đưa luật vào cuộc sống là rất quan trọng. Theo đó, cần tuyên truyền bài bản, hệ thống, cụ thể để Nhân dân biết quyền lợi và trách nhiệm của mình được nêu trong Luật.
Sở Tư pháp TP Hà Nội, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBDGPL TP xây dựng kế hoạch làm rõ nhiệm vụ cụ thể, phân công, thời gian thực hiện, kinh phí (chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên, xây dựng tài liệu, in ấn tài liệu, phát hành tài liệu – đưa lên mạng, truyền thông qua báo chí, Sổ tay hỏi - đáp…) và tổ chức các hội nghị, hội thảo. Trên cơ sở đó, các sở ngành tuyên truyền theo nội dung chuyên ngành; hoàn thành trong tháng 8/2024 để đầu tháng 9/2024, khởi động toàn thành phố, chuẩn bị cho ngày 1/1/2025 Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực.
Về việc tuyên truyền PBGDPL, Sở Tài chính Hà Nội có hướng dẫn đặt hàng với cơ quan báo chí để thực hiện. Với những khó khăn các đơn vị nêu, phải có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh; điều phối kinh phí tuyên truyền hiệu quả. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL qua màn hình Led trên các tuyến phố. Đặc biệt, tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, phối hợp trong tuyên truyền PBGDPL để kịp thời đề xuất khó khăn với Hội đồng có giải pháp.
Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống với tinh thần chủ động, trách nhiệm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại