Chủ nhật 19/05/2024 03:17

Tháng 5 về con lại đến bên Người!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Làng Sen tháng 5 du dương những khúc hát về Người, đường làng quanh co những hồ ao sen tỏa ngát hương, thoảng đâu đó tiếng à ơi ru con của mẹ bên khung dệt vải, tiếng ru con ngọt ngào giữa tháng 5 trong cái oi nồng của gió lào. Tìm về Làng Sen tháng 5, con tìm về những ký ức, tìm về bên Bác.

Những ký ức ngày Bác về thăm quê !

Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đau đáu: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Còn về bản thân, Bác chỉ mong một cuộc sống bình dị, đời thường, vui cảnh điền viên: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Những tâm tư, mong mỏi ấy được Bác trả lời các Nhà báo nước ngoài khi họ phỏng vấn Bác vào đầu năm 1946. Thời điểm đó là sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những câu trả lời của Bác trước các báo đài Quốc tế hết sức ngắn gọn, dung dị nhưng chứa đựng bao tư tưởng lớn. Đó là niềm tin sắt son về một đất nước Độc lập, tự do. Một đất nước tự lực tự cường, nhân dân sẽ ấm no, hạnh phúc. Ở đất nước mà con người sinh ra được sống quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, đó là những quyển bất khả xâm phạm.

undefined
Hình ảnh thân thương, gần gũi ngày Bác về thăm quê lần thứ hai vào năm 1961.

Trong cả một thời gian dài buôn ba tìm đường cứu nước cho dân tộc, và cả sau này khi Người về Việt Nam lãnh đạo các phong trào cách mạng, cũng như lãnh đạo cách mạng dân tộc tới ngày dành thắng lợi. Sau 50 năm xa cách quê hương, Bác mới có dịp về quê. Và cũng chỉ có hai lần Bác về thăm quê hương Kim Liên, Nam Đàn vào năm 1957 và năm 1961.

Sau những ngày tháng xa cách quê hương, Bác vẫn nhớ như in thuở thiếu thời, nhớ từng góc nhỏ, những ngôi nhà tranh đơn sơ, ấm áp. Nơi đó anh em Bác đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của không chỉ riêng Bậc sinh thành, mà còn có bà con lối xóm nghĩa tình cưu mang, giúp đỡ.

Lần về thăm quê vào tháng 6 năm 1957, Bác đứng lặng ngoài sân một hồi thật lâu, đôi mắt Bác đăm chiêu, trầm ngâm, sau đó Bác bước vào nhà. Bác đến bên bàn thờ gia tiên, nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Bác bùi ngùi: "Hồi xưa, nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc...".

Bác lại đi từng nơi trong xóm, hỏi thăm cụ cố Điền thợ rèn, hỏi thăm nhả cụ cố Phương nay có đủ ăn hay không, vốn dĩ Bác nhớ nhà cụ Phương xưa nghèo nhất làng, đói ăn từng bữa. Những lời thăm hỏi, những lời động viên, chia sẻ của Bác với bà con khiến ai nấy cũng xúc động. Sau nao năm xa quê, Bác vẫn nhớ như in từng chuyện, từng nhà, vẫn sự ân cần, dung dị đáng quý, trong trái tim ấm áp.

Lần về thăm quê vào năm 1961 cũng vậy, Bác dành thời gian nói chuyện, trao đổi, chia sẻ tâm tư tình cảm, công việc với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Bác đi thăm nhà máy cơ khí Vinh, dành thời gian nói chuyện với cán bộ, công nhân, chia sẻ, động viên anh chị em.

Bác về thăm xã Vĩnh Thành ( huyện Yên Thành) là lá cờ đầu trong phong trào trồng cây toàn miền bắc... Bác cũng dành thời gian về thăm Làng Trù, thăm người bạn thuở nhỏ, nhắc lại những kỉ niệm, ký ức. Bác về Lảng Sen thăm lại bà con chòm xóm, Bác phấn khởi vì quê hương luôn hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm mà Bác căn dặn như xóa nạn mù chữ, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp...

Ký ức Bác những lần về thăm quê vẫn còn hiện hữu trong nhiều người dân Làng Sen, Làng Trù nói riêng và nhân dân trong toàn tỉnh nói chung. Hình ảnh một vị cha già gần gũi, thân thương, mang những tư tưởng lớn kiệt xuất, người đã dành hết cuộc đời cho độc lập, tự do, cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Mỗi lần về thăm quê, Bác vẫn Bình dị với chiếc áo khoác cũ, đôi dép cao su...vẫn những câu chuyện gần gũi thở bé, và không quên dành những sự động viên, chia sẻ với bà con quê nhà. Ở Bác luôn hiện hữu một cán bộ cách mạng kiên trung, nhiệt huyết và cuộc đời thanh bạch, giản dị. Như chính lời bác từng chia sẻ rằng:

"Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui.”

Tháng 5 về Làng Sen thổn thức

Tháng 5, Làng Sen quê Bác đẹp và thơ mộng như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Ở nơi Người sinh ra, nay đã trù phú, ấm no và thịnh vượng. Bộ mặt nông thôn có thay đổi nhiều nhưng nơi đó vẫn hiện hữu những hồ sen cạnh những con đường làng quanh co, vẫn còn đó những cánh đồng lúa chín vàng ươm. Làng Sen tháng 5 luôn hiện hữu những cảm xúc về Người, về vị Cha già gần gũi, thân thương trong thuở bé, trong mỗi độ về thăm quê.

Nay nơi Bác sinh ra đã trở thành một quần thể khu di tích, những vết tích, những di sản người để lại trở thành những kỷ vật thiêng liêng, trang trọng trong khi di tích. Là điểm đến tham quan, cũng là cuội nguồn vết tích, nơi lưu giữ những điều thiêng liêng, những giá trị nhân văn cốt lõi về Bác và Thân sinh Bác và những người hàng xóm, người bạn của Bác.

Làng Sen như là quê chung trong mỗi tâm khảm người dân Việt Nam. Để rồi không chỉ mỗi tháng 5 về, mà khi có thời gian, chúng ta lại tìm về Làng Sen, Làng Trù, mảnh đất máu thịt thiêng liêng, nơi đã sản sinh ra vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc ta. Nơi đó là quê hương tâm tình, là nơi chứa đựng bao điều, nơi gửi gắm bao cảm xúc, thiêng liêng.

Ta tìm về Làng Sen như tìm về chính nơi cuội nguồn mình sinh ra, hòa vào hương sen thơm ngát, hương lúa nồng nàn là những cảm xúc bâng khuâng, những bồi hồi xúc động về một làng quê trù phú, phong thủy hữu tình, đậm đà, da diết tình quê.

Tháng 5 về con lại đến bên Người !
Ngôi nhà tranh đơn sơ cùng với những kỉ vật về gia đình Bác, về Bác vẫn được bảo tồn, lưu giữ phát huy, để mỗi độ về bên Người ta lại được sống trong những cảm xúc, được tiếp cận những giá trị cốt lõi về nhân cách, tư tưởng, sự bình dị, và ấm áp của Người
Tháng 5 về con lại đến bên Người !

Về Làng Sen chúng ta như lại được một lần sống trọn trong ký ức, được nhìn thấy rõ bóng hình một vị Chủ tịch giản dị, kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới, vị Cha già đã dành hết cuộc đời cho non sông, đất nước, cho nhân dân và bạn bè Quốc tế. Chúng ta được nghe, được sờ, được cảm nhận hết những tháng năm về thuở nhỏ của Người nơi mảnh đất áp này.

Ở đó mỗi chúng ta sẽ có được những bài học giá trị cốt lõi về cuộc sống, về học tập, về sự kiên định trong con đường phía trước. Ở đó chúng ta thấy được những tư tưởng lớn, sâu sắc cùng với nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tư tưởng, giá trị cốt lõi của người luôn là chiếc gương sáng soi đường dẫn lối và có giá trị thiết thực cho không chỉ cả một dân tộc, một thời đại. Mà nó chảy xuyên trong dòng chảy lịch sử của đất nước, trong mỗi con người Việt Nam ta qua những tháng năm, qua những thời kỳ khác nhau.

Những bài học, tư tưởng của Bác về con người, về dân tộc, về con đường cách mạng, độc lập, tự do, bác ái, mưu cầu hạnh phúc, quyền được sinh ra được sống... tất thảy như một thành trì vững chãi, một giá trị tư tưởng vượt không gian, thời gian, nó mãi mãi trường tồn với giá trị thiết thực nhất, thời sự nhất và thực tế cụ thể nhất.

Làng Sen tháng năm, những hồ sen lại đua hoa tỏa ngát hương thơm như muốn gửi gắm những tình cảm dành cho ngày sinh của Bác. Tháng 5 về Làng Sen lại du dương những khúc hát đượm tình quê, những lời ru của mẹ bên khung dệt vải, những tiếng à ơi ru con ngủ trong những cái nồng nực của gió lào ban trưa...

Làng Sen tháng 5 lại thổn thức, lại bâng khuâng chào đón sinh nhật lần thứ 131 của Người.

Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động