Thứ năm 02/05/2024 16:27

Tết xưa ùa về từ ký ức của người đàn ông phố cổ Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với những người Hà Nội gốc, Tết cổ truyền xưa là nét văn hóa thiêng liêng, đầy ắp yêu thương và sum vầy sau bao vất vả mưu sinh của một năm.
Ông Nguyễn Thái An chia sẻ về Tết Hà Nội xưa. Ảnh: Công Phương
Ông Nguyễn Thái An chia sẻ về Tết Hà Nội xưa. Ảnh: Công Phương

Ký ức về Tết Hà Nội xưa

Vốn là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở phố cổ, ông Nguyễn Thái An, 82 tuổi, trú tại 72 phố Hàng Đào, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, luôn nhớ những ký ức về Tết Hà Nội xưa.

Ông An cho biết, ông được sinh ra trong một gia đình buôn tơ lụa nổi tiếng phố Hàng Đào. Là thiếu gia nhà giàu có, ông được giáo dục theo đúng lễ nghi, khuôn phép của người Hà Nội xưa. Thời đó, cứ mỗi dịp Tết, cậu - mợ ông (cách gọi bố mẹ của người Hà Nội xưa) lại chuẩn bị mua sắm, tích trữ đồ dùng cho Tết trước 2 tháng. Thời đó, việc mua sắm Tết khó khăn, muốn chuẩn bị được đồ ngon thì phải chuẩn bị từ rất sớm. Với ông khi đó chỉ là một đứa trẻ nhưng ông ngóng Tết như ngóng mẹ đi chợ về.

Tết là phải có bánh chưng, điều đó đúng với cả thời xưa và nay. Thế nhưng cảm giác bánh chưng xưa rất khác so với ngày nay. “Xưa ai được phân công trông nồi bánh chưng đó là niềm hạnh phúc lớn. Nồi bánh chưng xưa là phần thưởng lớn cả người lớn và trẻ nhỏ. Theo thông lệ, trẻ con thời ấy luôn được “ưu tiên” một chiếc bánh mụ - chiếc bánh chưng nhỏ xíu, có dây buộc làm tay cầm. Đó là phần thưởng dành cho sự háo hức của lũ trẻ, sau cả một đêm thức cùng cậu mợ canh nồi bánh chưng nghi ngút khói. Không như bây giờ bánh chưng thích là mua, Tết không cần gói cứ ra chợ là có”, ông Thái An chia sẻ.

Không chỉ bánh chưng xanh, Tết xưa với người đàn ông ở phố Hàng Đào còn là những quầy bán bánh mứt, những cành hoa đào, những hàng tranh Tết. Được giáo dục theo nếp sống xưa, thời đó cứ gần Tết cậu bé Thái An lại dùng tiền tiết kiệm chạy ra phố ông đồ xem vẽ tranh. Rồi lựa chọn mua một bức ưng ý nhất cho bản thân mình. Rồi những ngày giáp Tết, mỗi lần đi học là ông lại đi vòng qua các quầy bán pháo, bán đào, hàng tranh Tết để cảm nhận được không khí Tết rồi mới đến trường học. Ông vui vẻ và háo hức đến ngày Tết.

Với đám trẻ là vậy, còn người lớn thời đó rất chú trọng thăm hỏi. Ngày đầu xuân năm mới, người thân, anh em bạn bè, họ hàng lại đến nhà nhau ngồi uống nước hàn huyên, nói chuyện năm cũ và hứa hẹn năm mới tốt đẹp hơn. Những ngày này, ông cũng theo bố mẹ đi thăm hỏi người thân cũng như ở nhà cùng bố mẹ đón tiếp khách đến chơi.

Ông An cho biết thêm, lì xì đầu năm mới là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Trẻ nhỏ như ông An hồi đó háo hức vô cùng, khi được lì xì là vội cất vào ống tre tiết kiệm. Vui vẻ, háo hức chờ Tết là vậy, nhưng lễ nghi của người Hà Nội cũng rất nghiêm khắc. Tết đến những đứa trẻ không được phép ra ngoài nếu chưa có người đến xông đất. Vì thế, dù mặc đẹp, háo hức đến mấy nhưng vẫn phải đợi người đến xông đất xong mới được ra ngoài.

Bắt đầu từ ngày mồng một Tết đầu năm, hoạt động du xuân diễn ra rộn ràng khắp 36 phố phường. Phụ nữ sẽ bận lên mình một bộ áo dài mới thướt tha. “Trong trí nhớ tôi, Hà Nội khi đó thật đẹp bởi những người chị, người mẹ duyên dáng trong trang phục truyền thống - Một loại trang phục mà mãi cho tới giờ tôi vẫn luôn yêu”, ông An kể lại.

Gia đình ông Nguyễn Thái An trong bức ảnh được chụp vào mùng 2 Tết năm 1949. Ảnh: Công Phương
Gia đình ông Nguyễn Thái An trong bức ảnh được chụp vào mùng 2 Tết năm 1949. Ảnh: Công Phương

Giáo dục nét đẹp truyền thống cho con cháu

Trong căn phòng nhỏ trên gác ba ngôi nhà rộng 200 mét vuông của mình, ngắm nhìn bức ảnh gia đình chụp chung vào mùa Xuân năm 1949. Thời điểm ấy, ông An mới chỉ là một cậu bé lên 10, ông chia sẻ: “Hồi đó Tết với tôi như một giấc mơ và tôi chỉ muốn giấc mơ ấy kéo dài thật lâu”.

Ông An chia sẻ, mỗi thời một khác, nhưng chắc chắn thế hệ ông vẫn thích Tết xưa hơn. Hàng năm vào dịp Tết gia đình ông vẫn cố gắng gìn giữ những nét đẹp, giá trị văn hóa để giáo dục con cháu. Theo ông An, Tết giờ muốn gì cũng có chứ không như xưa. Rồi những người trẻ có suy nghĩ thoáng hơn khi cho rằng, Tết là lúc được nghỉ ngơi, xả hơi nên nhiều người chọn đi du lịch. Với gia đình ông, giờ các con đều đã trưởng thành và ra ở riêng nhưng mỗi sáng mùng 1 Tết, cả gia đình lại sum họp ở căn nhà số 72 phố Hàng Đào để chúc mừng năm mới và ôn lại những kỉ niệm đẹp. Cả nhà cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện vui đầu xuân năm mới.

Cùng với công nghệ số, gia đình ông cũng có những anh em bạn bè ở xa nên mọi người cũng đã gọi video qua các ứng dụng zalo, facebook để gửi đến nhau những lời chúc sức khỏe, may mắn đầu năm mới cũng như được nhìn thấy nhau khi khoảng cách xa hàng nghìn km. Ông Thái An cũng không quên nhắc nhở con cháu phải luôn tu tâm tính, sống trọn đạo hiếu, chan hòa với mọi người đúng như cách mà các cụ của gia đình ông truyền dạy lại.

“Tết đến, ngắm nhìn phố cổ Hà Nội, cảm xúc Tết xưa trong lòng tôi lại ùa về. Tôi nhớ về hình ảnh Hàng Đào ngày còn cậu, mợ. Với tôi, Tết và truyền thống gia đình khi ấy mãi là những điều trân quý để tôi mang theo suốt cuộc đời, để tôi trao truyền lại cho con cháu về những giá trị truyền thống tốt đẹp”, ông Thái An tâm sự.

Xưa thì là “ăn Tết”, còn giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi họ muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Dòng chảy của cuộc sống, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt.
Tết nay vương vấn Tết xưa
Hương vị Tết xưa huyền diệu khó lẫn nơi phố cổ Hà Nội
Tìm vị Tết xưa của người Hà thành
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động