Tết về trên đảo tiền tiêu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Ăn tết” trên sóng biển Đông
Một chiều cuối năm Bính Thân, chúng tôi có mặt trên tàu Hải quân 635 cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh hải quân Vùng 1 ra thăm đảo Bạch Long Vĩ. Sau hồi còi hú vang, con tàu lắc lư ra khơi trong mây mù, gió rét.
Hơn 25 năm vào quân ngũ là ngần ấy thời gian đại uý Nguyễn Phương Đông (Lữ đoàn 170, Bộ Tư lệnh hải quân vùng 1) lênh đênh trên những chuyến tàu. Nhiệm vụ thường xuyên của tàu là tuần tra, trực trên biển. Khi Tết về, tàu chở quà, đoàn công tác chúc Tết từ đất liền ra đảo và chở người dân trên đảo về quê. “Càng gần Tết, gió mùa về, biển động nên tàu chợ gần như không ra khơi được. Làm ăn cả năm trên đảo xa, cuối năm, người dân theo tàu hải quân về quê ăn Tết. Năm nào cũng vậy, tàu về đất liền đều chật cứng người dân”, đại uý Đông bắt đầu câu chuyện.
Vốn sinh ra ở Hải Phòng, khi nhập ngũ, anh Đông công tác ở Đà Nẵng. Xa nhà biền biệt, gần chục năm trước khi luân chuyển về Bắc, anh mới lập gia đình. Vợ anh là giáo viên, cùng 2 con nhỏ sống tại Hải Phòng. “Nhà tôi gần biển. Mỗi chuyến tàu chở người dân chuẩn bị cập bến K20 (Thủy Nguyên, Hải Phòng), tôi đều nhìn thấy bóng 2 cây dừa cao trước nhà. Ngắm ngôi nhà từ xa cho đỡ nhớ rồi tiếp tục lên đường”, anh Đông chia sẻ.
Khi được hỏi, chở quà tết ra đảo xa, chở người dân về quê đoàn tụ nhưng mình vẫn phải trực xa nhà, anh có buồn? Trên khuôn mặt người đại uý nở nụ cười: “Đó là nhiệm vụ. Tết trên tàu, anh em cũng chuẩn bị đủ bánh chưng, giò, chả, có đồng đội, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Hết đợt Tết, anh em thay nhau nghỉ về thăm gia đình”.
Anh Đông là một trong hàng nghìn chiến sĩ hải quân vẫn ngày ngày túc trực trên những chuyến tàu chở tết ra đảo xa. Theo Đại tá Phạm Văn Quang, Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân, dịp tết, chiến sĩ phải túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn tuyệt đối, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố bất ngờ. Chỉ huy các đơn vị thường xuyên động viên anh em yên tâm, vững lòng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Sau một đêm lênh đênh trên biển, măt trời ló rạng sau mây mù, hòn đảo Bạch Long Vĩ hiện ra trước mắt. Tại trạm Rada 490 (Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân), mâm ngũ quả, bánh kẹo đặt trên bàn nhỏ trong hội trường. Khí hậu trên đảo không phù hợp để trồng hoa đào, chiến sĩ khéo léo biến cành cây khô trở thành cành đào. Từ giấy ăn, sơn đỏ trở thành bông hoa đào xinh xắn. Bánh chưng, giò chả cũng được chuẩn bị đầy đủ để chiến sĩ có tết đầm ấm như ở quê nhà.
Xa đảo nhớ lắm!
Hơn 20 năm kể từ khi hàng chục hộ dân đầu tiên tình nguyện ra đảo, cuộc sống trên đảo đã bớt phần khó khăn, khắc nghiệt. Nước ngọt được lấy từ các giếng khoan. Một hồ nước ngọt cũng đang xây dựng để phục vụ chiến sĩ, người dân. Những ngôi nhà cao tầng kiên cố được xây dựng phủ dần kín đảo. Dọc 2 bên đường từ cầu cảng vào Đài tưởng niệm liệt sĩ, cửa hàng tạp hóa bán ngoài bánh kẹo, đồ uống còn có đủ thịt lợn, rau xanh và cả hoa cúc tươi.
Trồng rau trên đảo.
Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa khi hai vợ chồng đang mổ lợn bán. Con lợn nặng tới cả tạ. Tiếng lợn kêu vang cả góc đảo. Anh Nghĩa là chiến sĩ hải quân. Thương chồng xa nhà vất vả, vợ anh theo chồng ra đảo sinh sống.
Trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc có gia đình có tới 3 thế hệ sinh sống làm ăn. Trong một lần ra khơi đánh cá cách đây gần 25 năm, tàu đánh cá của ông Trần Trí Tráng (Sầm Sơn, Thanh Hóa) hỏng máy, trôi dạt vào Bạch Long Vĩ. Nhờ bộ đội sửa chữa tàu, hỗ trợ xăng dầu, lương thực, ông mới thoát nạn trở về đất liền. Sau đó, ông Tráng đưa vợ con ra đảo sinh sống. Hàng ngày ông thả lưới đánh cá xung quanh đảo. Cô con gái đầu lòng lớn lên được gửi về quê với ông bà để tiện việc học tập. Học xong, cô lại ra đảo với cha mẹ.
“Học xong, con gái nhớ đảo nên đòi ra sống cùng vợ chồng tôi. Rồi nó lấy chồng là giáo viên trên đảo, giờ đã có cháu 2 tuổi rồi”, ông Tráng vừa kể vừa chỉ cho chúng tôi xem ảnh cậu bé kháu khỉnh - đứa cháu ngoại sinh ra trên đảo. Ngoài đưa gia đình lên đảo, ông Tráng còn động viên họ hàng lên đảo sinh sống.
Gần một ngày chúc Tết các đơn vị, người dân trên đảo, chúng tôi ra âu tàu trở về đất liền. Cùng trở về có chị Lê Thị Hà và cô con gái 7 tháng tuổi. “Nghe tin tàu của hải quân sắp ra chúc Tết, em mong cả tuần nay để đưa con gái về chúc Tết ông bà. Ra Tết 2 vợ chồng lại đưa con ra đảo làm ăn. Sống trên đảo quen rồi, đi xa nhớ lắm”, chị Hà nói.
Bạch Long Vĩ là đảo nằm xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) 110km. Từ trên cao nhìn xuống đảo hình tam giác không đều. Địa hình ven bờ đảo thoai thoải, độ dốc thấp, nơi rộng nhất 500m, nơi hẹp nhất 10m.
Quỳnh Nga / www.tienphong.vn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại