Tên tuổi “dũng sĩ nhí” trở thành “tên làng”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bởi nơi đó em Lê Văn Được đã dũng cảm cứu 5 bạn nhỏ thoát chết đuối trong gang tấc trên khúc sông Gang chảy qua làng.
Cậu bé 15 tuổi nhỏ thó, tóc cháy nay được dân làng gọi là “dũng sĩ” rụt rè trò chuyện:
- Chúng em cùng chăn trâu, bắt hến ở khúc sông Gang, nhưng em có việc về nhà trước. Mới đi được một đoạn, bỗng nghe tiếng í ới to nhỏ phía sau. Thoạt đầu em nghĩ, có lẽ lũ bạn đùa reo chi đó. Nhưng khi lắng nghe, càng rõ tiếng thất thanh, kêu cứu. Em chạy nhanh xuống khúc sông sâu, bơi ra giữa dòng nơi mấy bạn đang chới với, vật lộn với nước, níu kéo các bạn. Chừng nửa tiếng sau 5 bạn Trịnh Thị Hậu, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Uyên Nhi, Nguyễn Thị Tú đã thoát hiểm.
Nhà trường tuyên dương Lê Văn Được vì hành động dũng cảm của em. Ảnh: Như Nguyễn
Ông Lê Văn Hải, người cha của “dũng sĩ” kể lại:
- Thực ra chúng tôi không hề hay biết gì về chuyện mấy đứa nhỏ trôi nổi trên sông. Nhưng khi thấy người của UBND đến nhà đưa tin, tôi mới sững người. Còn mẹ cháu thì bật khóc, tuy chưa thật sự biết đầu đuôi câu chuyện.
Sau khoảnh khắc có thể mất mạng sống của mình, nhưng Được bình thản như chưa từng qua một thử thách khác thường. Em chậm rãi kể lại câu chuyện của mình với 5 người bạn.
Khi nhận biết nguy hiểm đang đến với mấy bạn, em vừa chạy vừa hét to cho mọi người biết, hy vọng có người kịp đến, nhưng có lẽ xa quá, không ai hay biết gì. Vừa kịp đến bờ sông, em bơi nhanh tới mấy bạn đang chới với. Thoạt đầu định cứu 3 bạn Tú, Hậu và Phương ở gần hơn. Nhưng cách đó mấy mét, Trang và Nhi đuối sức, em vội bơi đến đó trước. Lựa chiều con nước, em xốc nách hai bạn, đẩy nhanh vào bờ. Không kịp lấy lại sức, em quay ra sông cứu tiếp 3 bạn đang cố vật lộn với dòng nước. Khi 5 bạn đã được lên bờ, em mệt như muốn xỉu, thở không ra hơi. Nhưng nhìn sang 2 bạn Nhi và Trang bất tỉnh, bụng đầy nước, sực nhớ một vài động tác cơ bản cha em truyền dạy mấy năm trước, em cấp cứu nhanh. Không ngờ có tác dụng. Nhìn thấy mắt Trang và Nhi bắt đầu hé mở, em reo thầm, vậy là họ đã sống. Đến lúc đó em mới nằm ngửa, thở mạnh. Nhìn lên trời, từng đám mây như bị xô đẩy. Nhìn sang bên, hàng cây ngả nghiêng. Tai ù ù không còn nghe rõ tiếng nói rì rầm xung quanh. Khi tất cả đã hồi sức, chúng em thỏa thuận trước khi ra về: Giữ kín chuyện này.
Được bỗng dừng kể, như muốn nhớ lại thêm. Nhiều người sốt ruột chờ đợi để nghe tiếp phần sau câu chuyện cảm động, gay cấn, nhiều tình tiết hồi hộp. Nhưng cậu bé vẫn lặng im. Cuối cùng em chỉ nói gọn: “Vâng, chuyện chỉ có thế”. Chuyện bí mật của 6 em không giấu được lâu. Ông bảo vệ trường thoáng nghe đâu đó, lập tức đến nhà Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã báo tin. Ngày hôm sau họ kiểm tra lại thông tin, gặp gỡ mấy em. Câu chuyện nhanh chóng lan truyền. Em Trịnh Thị Hậu, một trong 5 em được cứu sống nói:
- 5 đứa chúng em thường rủ nhau đi chăn trâu. Thả xong trâu, chúng em sang bờ bên kia để bắt ốc. Khi quay về, chúng em tắt qua lối mới, phía dưới sông một chút. Không ngờ khúc sông này khá sâu. Bạn Nhi không may vấp ngã, kéo theo em. Quá bất ngờ, em vội túm lấy tay bạn gần nhất. Và cứ thế 5 đứa chúng em níu kéo vào nhau. Do hoảng loạn, không ai chịu buông tay ra. Càng vùng vẫy nước càng dìm chúng em xuống sâu hơn. Bạn Trang, bạn Nhi sặc nước nhiều, chân tay chới với, cố ngoi lên mặt nước kêu cứu. May sao, chỉ mấy phút sau bạn Được đến. Và chúng em đã được cứu, miệng run cầm cập, mừng, lo, sợ hãi không nói nên lời. Khi tất cả đã lấy lại sức, hai bạn Trang và Nhi đã tỉnh táo, chúng em ngồi bàn chuyện riêng, chỉ mấy đứa biết với nhau thôi. Không hiểu vì sao bác bảo vệ lại biết. Vậy là kế hoạch bị bại lộ. Bây giờ cả trường, cả thôn xã đều biết chuyện của chúng em. Nhưng như thế cũng tốt. Tấm gương dũng cảm của bạn Được phải để nhiều người biết.
Khi hay tin con được cậu bé làng cứu sống, 5 gia đình vội đến gặp ân nhân của mình. Lời cảm ơn thôn quê thật thà. Những bà mẹ, những người cha tràn ngập niềm cảm phục, biết ơn. Nhưng khi đến nơi, họ chỉ biết cầm tay cậu bé lắc lắc, xoa đầu. Ông Trịnh Văn Nhị, cha của cháu Trịnh Thị Hậu xúc động bày tỏ:
- Tôi thật bất ngờ. Cháu Được còn ít tuổi mà đã biết xả thân cứu bạn bè, không quản nguy hiểm, hy sinh tính mệnh. Về nhà lại không nói cho ai biết, cứ như bình thường….
Còn ông Nguyễn Doãn Phú, cha cháu Nguyễn Thị Tú không giấu nổi xúc động:
- Nếu chậm chút nữa, vâng, cháu Được chỉ chần chừ chút thôi, thì giờ đây con tôi trôi xuôi tận đâu rồi.
Người đàn ông chắc khỏe, rắn rỏi như ông Phú đã nghẹn lời, nắm đôi bàn chặt tay cậu bé Được, ân nhân của gia đình.
Chị Lượng, mẹ cháu Được luôn tay mời nước. Chẳng mấy chốc ấm chè lá vơi cạn, chị lúi húi vào bếp, nhen lửa nấu tiếp nồi nước mới. Ngôi nhà chật hẹp, không đủ chứa hết khách. Bà còn hàng xóm hay tin cũng hồ hởi sang chơi, kéo ghế ra ngoài sân. Ông trưởng thôn hỏi Được:
- Sao con không nói sớm để bà con biết, ăn mừng. May sao ở trên người ta biết chuyện, cho người về làng thăm hỏi, tặng quà.
- Mấy đứa con thống nhất rồi, không để lộ “bí mật” vì sợ cha mẹ các bạn lo lắng. Đã hứa với nhau, phải giữ lời.
Con sông Gang này chỉ rộng chừng 50m, vốn không sâu. Mùa nắng khô nước sông hiền hòa, có thể lội qua dễ dàng. Nhưng khi mùa mưa đến, con sông trở nên hung hãn dễ sợ. Có nhiều khúc sông sâu tới cổ, ngập đầu luôn. Nhiều năm trước xảy ra không ít vụ trôi sông, mất tích người, trâu bò. Mấy cháu vừa rồi gặp nguy, một phần vì nông sâu không tỏ tường, phần nữa là không cháu nào biết bơi. May sao Được đã học bơi từ mấy năm trước. Sắp tới đây có lẽ làng xóm phải tổ chức dạy bơi, tập bơi, tập sơ cứu cho lũ trẻ.
Được là con trưởng trong gia đình có 3 anh em, tính nết hiền lành, ít nói. Bà con trong xóm yêu mến, gọi là “Cu Tèo” vì vóc dáng nhỏ bé của em. Sau Được còn hai em nhỏ. Cha mẹ chuyên sống bằng nghề nông, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Nhưng Được vẫn chịu khó đi học đều. Về nhà chăm chỉ việc đồng áng, chăn trâu, cắt cỏ, kiếm tôm tép, hến sông phụ giúp cha mẹ. Tối đến kèm cặp mấy em học hành. Khi chỉ còn em với cha mẹ trong ngôi nhà ấm áp, thân tình, Được mới rủ rỉ chuyện trò:
- Chỉ mới tháng trước, ở trường con cô giáo đã kể chuyện về anh Nguyễn Văn Nam ở huyện Đô Lương, trong tỉnh Nghệ An mình. Anh ấy đã dũng cảm cứu sống 5 bạn trên sông Lam chảy xiết. Sau khi cứu được người cuối cùng, nhỏ tuổi nhất đang chìm dần giữa dòng nước xoáy thì anh Nam đuối sức, nước cuốn trôi… Cả lớp chúng con xúc động lắm. Giờ ra chơi nhiều bạn nữ ngồi trong lớp, mắt đỏ hoe. Con sông Gang quê mình nhỏ hơn nhiều, nước lại không mấy xiết. Điều mà con sung sướng nhất là 5 bạn đều nhanh chóng bình phục, tỉnh táo về nhà. Còn con, chỉ chừng nửa giờ sau là hết mệt.
Nhiều bạn trong lớp của Được thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn, được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hay tin em Được dũng cảm quên thân cứu bạn, cô giáo chủ nhiệm hết sức cảm kích, đến nhà thăm gia đình, chuyện trò với cậu học sinh nhỏ thó chăm chỉ của mình, cô giáo nghe Được rụt rè bày tỏ nguyện vọng:
- Thưa cô, em chưa nghĩ đến tương lai xa, chỉ lo học các môn đang yếu để thi đỗ. Được lên lớp 10 và tiếp tục học là mong muốn của em và của cha mẹ em.
Nguyện vọng của Được Ban giám hiệu trường ghi nhận. Năm học vừa qua em đã vào học lớp 10 trường THPT Nguyễn Cảnh Chân, huyện Thanh Chương. Điều mà Ban Giám hiệu nhà trường mong mỏi ở Được là cố gắng để trở thành con ngoan, trò giỏi có thành tích học tập, phát huy cao nhất tinh hoa của nền giáo dục Việt Nam. |
Tấm gương dũng cảm của Được đã được nêu gương toàn trường PTCS Thanh Ngọc, nới em đã trải qua 9 năm học tập tại đây. Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã dành phần thưởng xứng đáng, nêu tấm gương sáng cho học sinh toàn tỉnh. Đặc biệt Bộ trường Bộ GD&ĐT Đặng Vũ Luận đã có thư kịp thời khen ngợi em Được. Trong bức thư gửi về địa phương có đoạn Bộ trưởng viết: “Lòng dũng cảm của em Lê Văn Được là tấm gương sáng cho học sinh cả nước noi theo”. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã quyết định biểu dương tinh thần dũng cảm của Lê Văn Được và tặng em Huy chương “ Tuổi trẻ dũng cảm”. |
Như Nguyễn
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại