Thứ hai 25/11/2024 18:30

Tạo đà cho kinh tế Thủ đô phát triển

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với cách làm bài bản, hiệu quả, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã có nhiều bước tiến quan trọng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc làm đó đã tạo đà cho kinh tế Thủ đô phát triển.
Cùng với việc cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, Hà Nội tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành miền quê đáng sống của mỗi người dân.
Cùng với việc cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, Hà Nội tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành miền quê đáng sống của mỗi người dân

Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Tính đến nay, toàn TP đã có 382/383 xã của Hà Nội đã "về đích" xây dựng nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất không thực hiện xây dựng Nông thôn mới do nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc), hoàn thành mục tiêu TP đề ra trong năm 2021. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn TP cũng như các địa phương trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch CoVID-19.

Xác định công cuộc xây dựng Nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm cuối, việc hoàn thành xây dựng xã Nông thôn mới là tiền đề để tập trung nâng cao các tiêu chí và các địa phương đều nỗ lực để sớm đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành các quyết định về việc công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

Tại Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 7-2-2022, UBND TP công nhận 18 xã thuộc các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Quốc Oai đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Cụ thể, huyện Đông Anh có 4 xã (Bắc Hồng, Liên Hà, Tàm Xá, Xuân Nộn). Huyện Gia Lâm 3 xã (Cổ Bi, Đặng Xá, Đình Xuyên). Huyện Chương Mỹ 3 xã (Đồng Phú, Hợp Đồng, Thủy Xuân Tiên). Huyện Ứng Hòa 3 xã (Hoa Sơn, Hòa Nam, Liên Bạt). Huyện Hoài Đức 2 xã (Lại Yên, Minh Khai). Huyện Thanh Trì 1 xã (Liên Ninh). Huyện Quốc Oai 1 xã (Phú Cát) và huyện Ba Vì có 1 xã (Phú Phương).

Tại Quyết định số 497/QĐ-UBND ngày 7-2-2022, UBND TP công nhận 5 xã thuộc huyện Đan Phượng đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

Có thể khẳng định, thời gian qua, xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu đã từng bước thay đổi diện mạo địa phương theo hướng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Mặt khác, nhờ gắn bó chặt chẽ giữa nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, dân trí địa phương ngày càng nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ, góp phần quan trọng trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn được giữ vững.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là 92.680 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài kinh phí trên, TP tiếp tục vận động các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ các huyện khó khăn để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương. Mặt khác, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Dấu ấn mạnh mẽ của Mặt trận và các tổ chức thành viên

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội luôn nỗ lực xây dựng NTM, đô thị văn minh theo hướng văn minh, hiện đại. Để cùng với TP thực hiện mục tiêu đó, qua 5 năm triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ các cấp TP Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu hợp pháp, giúp nhau thoát nghèo bền vững, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, áp dụng khoa học công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, trong xây dựng NTM và đô thị văn minh, Mặt trận các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia các hoạt động như xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực đô thị, xây dựng khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hóa; xây dựng các mô hình tự quản về trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị...

Nhờ có những nỗ lực đó, đến nay toàn TP có 2.350 mô hình tự quản bảo vệ môi trường, tổ an ninh xung kích, tổ an ninh trật tự; mô hình phát triển VAC, mô hình trồng cam, quýt, bưởi. Trong đó, có 584 mô hình phát triển kinh tế do MTTQ và các tổ chức đoàn thể chủ trì, 1.562 mô hình tự quản về an ninh trật tự, 2.100 mô hình thực hiện nếp sống văn minh.... tham gia xây dựng các tuyến đường nở hoa, tạo cảnh quan đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Tính đến nay, toàn TP đã có 44 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Tính đến nay, toàn TP đã có 44 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Theo Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, cả 16/16 xã trên địa bàn huyện Mê Linh đều chưa đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân tự giác dọn vệ sinh hàng tuần; trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường; tạo bức tường bích họa làm đẹp xóm làng.

Việc thực hiện tốt các phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” và lan tỏa mô hình tự quản “Khu dân cư an toàn sáng, xanh, sạch, đẹp” đã giúp Mê Linh xây dựng được hàng chục kilômét tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa - kiểu mẫu.

Còn tại huyện Thạch Thất cũng xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong thực hiện vệ sinh sạch đường làng, sạch đồng ruộng” của Hội Phụ nữ huyện. Việc làm đó đã giúp địa phương xây dựng được hàng trăm đoạn đường phụ nữ tự quản, đường hoa, tường tranh bích họa...

“Với cách làm bài bản, hiệu quả, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã có nhiều bước tiến quan trọng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc làm đó đã tạo đà cho kinh tế Thủ đô phát triển”, Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022, 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2025, TP hoàn thành việc đầu tư xây dựng, phát triển 5 huyện trở thành quận; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động