Tăng mức hỗ trợ về nhà ở cho người có công, các hộ nghèo vùng nông thôn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh:
Việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa. Việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án. Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít.
Trong thời gian tới Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách nào để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và NN ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi lại Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan. Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là Ngân sách TW chưa bố trí được đầy đủ nguồn vón ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất.
Cho rằng tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các Bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum:
Vấn đề mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động.
Mục tiêu trên khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…Thời gian tới, giải pháp được nêu ra là điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng ưu tiên là chính sách ưu việt của Đảng và NN, được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhà trong nhiều năm qua. Tuy nhiên với tình trạng giá nhân công, vật liệu xây dựng tăng cao như hiện này thì mức hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên bị lỗi thời, khó đáp ứng được nhu cầu.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một trong chính sách ưu tiên và thể hiện tính ưu việt của chế độ Đảng, NN. Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở như chương trình hỗ trợ người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng và không đáp ứng được chương trình này. Về giải pháp Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính xác theo hướng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng này.
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 3/11 |
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Việc phát triển nhà ở tái định cư trong thời gian qua khi NN thu hồi đất còn nhiều bất cập; nơi có nơi không mà không thì nhiều hơn, có nơi xây dựng chưa tính đến nhu cầu của người dân nên không có người ở để hoang hóa, gây thất thoát, lãng phí. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng trên?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Trên thực tế có nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang. Các dự án nhà tái định cư này chủ yếu hình thành trước khi có Luật Nhà ở, nguyên nhân do người dân không có nhu cầu ở, công tác tái định cư người dân có chỗ ở nhưng giải quyết công ăn việc làm chưa được quan tâm, nhà tái định cư xuống cấp, vị trí dự án không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng…
Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng cho biết tiếp tục hoàn thiện nhà ở về đất đai đồng bộ không chỉ giải quyết nơi ở mới mà giải quyết đồng bộ cả các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm kết nối, đồng thời rà soát công tác quy hoạch, rà soát nguồn vốn thực hiện dự án tái định cư hướng nâng chất lượng, bảo đảm đời sống người dân.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy , Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh:
Các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và thủ tục miễn tiền sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013 hoặc thủ tục về thẩm định giá nhà ở xã hội, thủ tục xác định về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội… dẫn đến các thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với các thủ tục xây dựng nhà ở thương mại, khiến kéo dài thời gian thực hiện, làm cho nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc. Kết quả là số lượng nhà ở xã hội hoàn thành rất thấp so với chỉ tiêu đề ra.
Đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị:Thực tế đúng như phản ánh của đại biểu. Do đó, về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan bộ, ngành tiếp tục tập trung quan tâm để rà soát trong các quy định của pháp luật để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà trọ. Trong đó có quy trình thủ tục, đồng thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ trong thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển nhà ở xã hội. Bộ trưởng nêu rõ, trong thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và cho công nhân sẽ thực hiện cụ thể các giải pháp này trong thời gian tới.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại