Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng. |
Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng chuyển đổi số và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý…; đề xuất nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số thời gian tới.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số khi công nghệ số được ứng dụng để phát triển các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; năm 2022 là năm tăng tốc thực hiện chuyển đổi số với nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh việc đưa người dân lên các nền tảng số “Make in Việt Nam”, đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Năm 2023, Ủy ban xác định chủ đề: Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu; an toàn dữ liệu… nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản trong tạo lập, khai thác dữ liệu số.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực.
Đã có hơn 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 02 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh-thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí.
Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN. Các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả…
Phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng: Trong thời gian qua, nhận thức và hành động về chuyển đổi số của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân được nâng lên; thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số có bước chuyển biến tích cực; dịch vụ công, an toàn thông tin, phát triển chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công tác đào tạo nhân lực được quan tâm.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số”.
Trong đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm trễ, không theo đúng kế hoạch.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ đạo, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng; đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường… phối hợp, triển khai hiệu quả các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại