Tăng cường các giải pháp phòng ngừa ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTăng cường các giải pháp phòng ngừa ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động |
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tại một số địa phương như Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An… đã xảy ra tình trạng công nhân lao động tạm ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm… Gần đây nhất là cuộc ngừng việc tập thể của 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Viet Glory (sản xuất giày dép) trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 7/2; tại Công ty TNHH Phúc Mậu (Thái Bình) vào ngày 10-2 với khoảng 1.400 công nhân tham gia và tại Công ty TNHH Vienergy (Đài Loan, Trung Quốc, sản xuất giày dép) tại tỉnh Ninh Bình từ ngày 11-2 với 5.300 lao động ngừng việc.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 1-2, tại 12 tỉnh, thành phố xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, nhưng so với dịp Tết năm ngoái thì năm nay giảm 7 cuộc, tương đương với mức giảm 20%. Đồng thời, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể năm nay cũng không phức tạp so với các năm trước, chủ yếu xoay quanh các yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ hỗ trợ độc hại, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ người lao động mắc Covid-19, thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…
Đến nay, công nhân lao động tại các doanh nghiệp này đã trở lại làm việc, ổn định sản xuất. Chủ các doanh nghiệp cũng đã đồng thuận bổ sung chính sách, chế độ và quyền lợi cho công nhân, lao động của mình, như tăng phụ cấp xăng xe, tăng bữa ăn ca, bổ sung phụ cấp nuôi con nhỏ, tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, chấn chỉnh thái độ quản lý, không yêu cầu công nhân đến trước giờ làm việc, chi tiết hóa phiếu lương, khắc phục lỗi máy chấm công, cho phép công nhân bị Covid-19 điều trị khỏi trở lại làm việc…
Để chủ động ứng phó, phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần ổn định việc làm, đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động.
Tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ công đoàn cơ sở, doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.
Đối với các địa phương, đơn vị có đông người lao động, nhiều doanh nghiệp cùng thuộc một chủ sở hữu, hoặc cùng là công ty thành viên của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, hoặc cùng sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng, doanh nghiệp xuyên quốc gia thì chủ động nắm thông tin về số lượng, địa chỉ, tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động.
Đồng thời, thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật và Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng Zalo, hoặc hình thức phù hợp nhằm kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng, chế độ đối với người lao động; tổ chức các hoạt động đối thoại, thương lượng và triển khai đồng thời các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể khi cần thiết.
Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan.
LĐLĐ các địa phương cũng phối hợp với các cấp chính quyền, Sở LĐTB&XH, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra. Định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công về Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại